Trên các thị trường hàng hóa, giá vàng, bạc và dầu đều lao dốc khi giới đầu tư thấp thỏm chờ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra vào tuần này.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc 139,4 điểm, tương đương 0,45%, xuống 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 28,02 và 103,95 điểm, tương đương 0,72% và 0,9%.
Ngày 19/9, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - cũng lao dốc hơn 7% xuống 18.500 USD /đồng. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa bị thu hẹp còn hơn 900 tỷ USD.
Mọi sự chú ý đang dồn về cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ. Theo Bloomberg, các quan chức FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp.
Tiếp tục mạnh tay
Các quan chức FED sẽ công bố về việc nâng lãi suất vào lúc 2h chiều ngày 21/9 (theo giờ địa phương). Chủ tịch FED Jerome Powell có cuộc họp báo sau đó 30 phút.
Giới quan sát cho rằng việc FED tiếp tục nâng lãi suất sẽ khiến lãi suất tăng lên 4% trong vài tháng tới và duy trì trên ngưỡng này vào năm 2023.
Các quan chức FED đã nhấn mạnh rằng họ không cắt giảm lãi suất trong năm tới, dù nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng phần nào.
Điều này cho thấy FED sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để bình ổn giá cả, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Việc nới lỏng quá sớm có thể một lần nữa thúc đẩy lạm phát.
Trong cuộc họp vào cuối tháng 8, Chủ tịch FED khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "sử dụng các công cụ một cách triệt để" để đối phó với lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
"Khi lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt có thể kìm hãm lạm phát. Dĩ nhiên, chúng sẽ làm tổn thương các hộ gia đình và doanh nghiệp", ông Powell thừa nhận.
"Đó là cái giá không mong muốn cho việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu không thể bình ổn giá, vết thương sẽ còn lớn hơn nhiều", ông nói thêm.
Khó nâng 1 điểm phần trăm
Một số chuyên gia thậm chí cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, kịch bản này có ít khả năng xảy ra hơn.
"Khả năng cao FED sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, họ có thể không muốn tăng mạnh tay hơn, bởi điều này có khả năng khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ", Bloomberg bình luận.
Với kịch bản đó, phản ứng của giới đầu tư có thể gây ra hậu quả không mong muốn, chẳng hạn gia tăng đầu cơ vào khả năng FED cắt giảm lãi suất trong năm 2023, hạ lãi suất trái phiếu dài hạn, nới lỏng điều kiện tài chính và làm chệch hướng các chính sách tiền tệ.
Không có lý do gì để nâng lãi suất 100 điểm cơ bản và làm chao đảo thị trường
Bà Lara Rhame - nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại FS Investments (có trụ sở ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania)
"Nếu FED nâng lãi suất 100 điểm cơ bản, mọi người sẽ càng chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ không thể hạ cánh an toàn", ông Michael Feroli - chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan - bình luận.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng vượt dự kiến trong tháng 8. Tuy nhiên, giá năng lượng và giá xe đã qua sử dụng đều lao dốc. Đây được xem là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Mỹ.
"Không có lý do gì để nâng lãi suất 100 điểm cơ bản và làm chao đảo thị trường", bà Lara Rhame - nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại FS Investments (có trụ sở ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania) - bình luận.
Các quan chức FED cũng phải cân nhắc về tình hình quốc tế. Ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng để kinh tế giảm tốc tăng trưởng, chứ không phải một cuộc suy thoái đồng bộ trên toàn cầu có thể dẫn đến căng thẳng tài chính.
"Khi Trung Quốc và châu Âu cùng giảm tốc tăng trưởng, sẽ không khôn ngoan nếu tăng lãi suất 100 điểm cơ bản vào thời điểm này", bà Anna Wong - nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics - bình luận.
"Một cuộc suy thoái nghiêm trọng ở châu Âu sẽ khiến chênh lệch lãi suất gia tăng và làm GDP của Mỹ giảm 1 điểm phần trăm", vị chuyên gia cảnh báo.