Xuất hiện lần cuối tại Hạ viện với tư cách thủ tướng, ông Boris Johnson đã đưa ra lời khuyên cho người kế nhiệm. Thông điệp mà ông muốn gửi đến không phải là việc đừng vi phạm luật mà chính bạn đã đưa ra, hay đừng nói dối Quốc hội.
Thay vào đó, ông Johnson tuyên bố: "Hãy tập trung vào con đường phía trước, nhưng luôn nhớ kiểm tra gương chiếu hậu".
Trong bài viết trên Guardian, Andrew Rawnsley, trưởng mục bình luận chính trị của Observer, nhận định đó thực sự là một lời khuyên đúng đắn. "Gương chiếu hậu" của vị tân thủ tướng sẽ chứa đầy nỗi cay đắng, giận dữ hay đe dọa. Đặc biệt, chính ông Johnson cũng sẽ theo dõi sát người kế nhiệm.
Viễn cảnh trở lại nắm quyền
Từng mơ ước vị trí ông chủ số 10 Phố Downing trong một thập kỷ, ông Johnson nay rời nhiệm sở với tư cách là thủ tướng Anh trong ba năm. Con số này thậm chí chỉ dài bằng một nửa so với cựu Thủ tướng David Cameron, đối thủ của ông kể từ khi họ còn là thành viên trong câu lạc bộ Bullingdon tại Đại học Oxford.
“Hasta la vista, baby” (Tạm dịch: Hẹn gặp lại), ông nói lời tạm biệt hộp công văn quyền lực. Đây có thể là một tín hiệu không rõ ràng rằng ông có thể quay trở lại nắm quyền.
Khi ông chính thức giao chìa khóa của chiếc hộp này cho Nữ hoàng Anh vào ngày 30/8, ông có thể nghĩ rằng đây không phải là lời tạm biệt với vị trí thủ tướng.
Ông Johnson được khích lệ bởi quan điểm cho rằng ông có thể mang đến màn trở lại mà nhiều người khác nghĩ là không thể, dù từng bị gạt bỏ nhiều lần trước đó.
Nỗ lực đó có thể chỉ là một điều viển vông, nhưng việc ông theo đuổi nó sẽ thu hút sự chú ý của đảng Bảo thủ và giới truyền thông. Điều đó có thể gây bất ổn cho người kế nhiệm.
Ông Johnson đã góp phần phá hủy nhiệm kỳ của 3 thủ tướng đảng Bảo thủ, bao gồm ông Cameron, bà Theresa May và của chính mình. Bên cạnh đó, chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà số 10 Phố Downing được xác nhận thuộc về bà Liz Truss.
Bà dự kiến bị bao vây bởi nhiều mối nguy ngay từ ngày đầu tiên. Theo Guardian, ông Johnson cũng không ngại khai thác điểm yếu của bà Truss, nếu nghĩ rằng nó phục vụ cho tham vọng của mình.
Chia sẻ với bạn bè, ông Johnson cho biết ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là nắm bắt cơ hội kiếm tiền. Theo sự sắp xếp dành cho các cựu thủ tướng, ông Johnson sẽ được hưởng 115.000 bảng/năm (khoảng 130.000 USD /năm) từ những người đóng thuế. Điều này sẽ khiến nhiều người đang vật lộn với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này phẫn nộ.
Tuy nhiên, đối với ông Johnson, con số đó không đáng là bao. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, ông nhiều lần than vãn rằng bản thân không thể sống bằng lương và sắp mắc nợ. Ông hiện sẽ nắm bắt cơ hội để kiếm được một số tiền lớn.
Một số cách kiếm tiền của nhiều cựu thủ tướng Anh khác dường như không khả thi đối với ông. Thế giới doanh nghiệp đã ngán ngẩm ông, các công ty có khả năng mất uy tín khi nhường ghế hội đồng quản trị cho một cựu thủ tướng thất sủng.
Hồi ký cũng có thể là công cụ giúp ông kiếm tiền, song các chính trị gia thường chỉ chuyển sang viết hồi ký khi chấp nhận rằng sự nghiệp của họ sắp kết thúc.
Con đường dễ dàng để trở nên giàu có nhanh chóng sẽ là thực hiện các bài diễn thuyết, đặc biệt là với khán giả ở Mỹ, đất nước sinh ra ông. Mọi người đã sẵn sàng trả 100.000 USD để ngồi lắng nghe bà May trong một giờ, vì vậy ông cũng có thể kiếm một khoản lớn.
Thử thách dành cho bà Truss
Bên cạnh đó, ông cũng có thể sẽ hồi sinh sự nghiệp của mình với tư cách là người phụ trách chuyên mục trong một tờ báo.
Tuy nhiên, người chủ mới sẽ không muốn trả số tiền lớn cho những ý kiến ủng hộ người kế nhiệm một cách nhạt nhẽo. Họ mong đợi ông Johnson sẽ đưa ra nhiều ý kiến gây tranh cãi và khuấy động nó để giúp ông thu hút sự chú ý.
Ông Johnson sẽ chúc tân thủ tướng thành công, trong khi cũng mong muốn bà thất bại. Để đảm bảo những gì ông nhận định là danh tiếng lịch sử của mình, ông cần được coi là thành viên đảng Bảo thủ đặc biệt trong thế hệ của mình, người duy nhất có khả năng đảm bảo cho đảng chiếm đa số.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu, nhiều người cho rằng bất kỳ người kế nhiệm nào cũng muốn tách mình ra khỏi chính quyền của ông Johnson. Điều đó được cho nhằm cố gắng thuyết phục đất nước rằng một thủ tướng mới đại diện cho một khởi đầu mới.
Thay vào đó, bà Truss đã vây quanh nhiều người ủng hộ ông Johnson, đồng thời xoa dịu họ qua việc bày tỏ nỗi tiếc nuối khi ông Johnson từ chức. Điều này có thể khiến bà phải hối tiếc.
Guardian nhận định có rất nhiều lý do để cho rằng viễn cảnh ông Johnson trở lại chỉ là viển vông. Ông rời nhiệm sở khi không được lòng cử tri. Cái nhất của ông trong những cuộc thăm dò gần đây có lẽ là việc ông là một trong những thủ tướng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Cựu Thủ tướng Johnson cũng phải đối mặt với vấn đề đối với mong muốn tích lũy tài sản của mình, bởi ông sẽ có nghĩa vụ kê khai tất cả khoản thu nhập ngoài, miễn là ông vẫn là nghị sĩ. Sau đó là cuộc điều tra xem liệu ông có nói dối Quốc hội về Partygate hay không. Ông Johnson coi đây là một mối đe dọa sinh tử đối với bất kỳ hy vọng nào về sự trở lại.
Sau khi cố gắng và không ngăn cản được cuộc điều tra của ủy ban về vấn đề này, ông lại cho rằng đó sẽ là một “tòa án kangaroo”, mặc dù đa số thành viên của ủy ban này là các nghị sĩ đảng Bảo thủ.
Trong những tuần cuối khi ông Johnson còn tại vị, Phố Downing đã sử dụng tiền công quỹ để trả cho một quan điểm pháp lý gây tranh cãi, tấn công tính công bằng trong thủ tục tố tụng của ủy ban này.
Cách xử lý vấn đề này sẽ là một bài kiểm tra sớm về tính chính trực của bà Truss. Bất kỳ nỗ lực nào từ phía bà Truss nhằm ngăn cản cuộc điều tra của ủy ban này sẽ gây ra sự phẫn nộ và chứng minh rằng bà sẽ nối gót ông Johnson.
Theo Guardian, bà Truss sẽ sở hữu lợi ích tốt nhất khi ông Johnson bị loại khỏi Quốc hội Anh.