Tính đến tháng 5, các hồ sơ cho thấy khoản vay của gia tộc Samsung đã tăng gấp gần 4 lần so với cuối năm 2021. Đó là thời điểm Chủ tịch đương nhiệm Samsung Lee Jae Yong và gia đình công bố kế hoạch trả khoản thuế hơn 12.000 tỷ won (9,2 tỷ USD) thành 6 đợt trong vòng 5 năm sau sự ra đi của cố Chủ tịch Lee Kun Hee, Bloomberg đưa tin ngày 26/6.
Khoản vay được đảm bảo bởi cổ phần là cách để gia đình ông Lee Jae Yong giữ tài sản. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thuế thừa kế cao nhất thế giới, có thể lên tới 60%.
“Những người thừa kế Samsung có lẽ đang tăng các khoản vay vì đó là cách tốt nhất để trả thuế. Họ sẽ không muốn bán cổ phần lấy tiền vì có thể ảnh hưởng đến quyền kiểm soát Samsung”, Park Sang In, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng khoản thuế thừa kế quá lớn cũng có thể là gánh nặng đối với cổ phiếu.
“Nó có thể gây xung đột lợi ích với các cổ đông trong công ty. Ví dụ, gia đình có thể không muốn cổ phiếu tăng vì nó làm tăng gánh nặng thuế”, Lee Chang Hwan, giám đốc điều hành Align Partners Capital Management, cho biết.
Cổ phần của bốn công ty trong tập đoàn, bao gồm Samsung Electronics và Samsung C&T, được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế. Tổng giá trị cổ phần gia đình thế chấp là 13,3 tỷ USD.
Trong số 500 tỷ phú theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, chỉ có ông Larry Ellison, người sáng lập hãng phần mềm Oracle, đã thế chấp số cổ phiếu giá trị lớn hơn gia đình Samsung (36,4 tỷ USD).
Tổng tài sản của những người thừa kế Samsung là 17,5 tỷ USD nếu trừ đi khoản tài sản thế chấp. Ngoài việc thế chấp, bà Hong Ra Hee, vợ cố Chủ tịch Lee, và con gái đã bán một số cổ phần, bao gồm 0,33% cổ phần của Samsung Electronics với giá 1,4 nghìn tỷ won vào tháng 3/2022.