Theo Money.com, một nghiên cứu công bố vào năm 2010 của Daniel Kahneman, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Princeton chỉ ra cảm giác hạnh phúc sẽ tăng khi thu nhập con người tăng tới khoảng 75.000 USD/năm (khoảng 1,77 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, khi thu nhập vượt qua mức này, nó không còn tác động nhiều đến hạnh phúc của con người nữa.
Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 1/3 trên Tạp chí Proceedings of the National Academy (Mỹ), ông Daniel Kahneman đã theo dõi dữ liệu thu thập từ hơn 33.000 người Mỹ trong độ tuổi lao động, có thu nhập ít nhất 10.000 USD/năm (khoảng 236 triệu đồng/năm). Trong đó, người tham gia khảo sát sẽ sử dụng ứng dụng trên điện thoại để ghi nhận cảm xúc của họ tại một thời điểm bất kỳ trong ngày. Kết quả khảo sát cho thấy mức thu nhập trên 500.000 USD/năm (khoảng 11,8 tỷ đồng) mới thật sự khiến con người hạnh phúc.
Tuy nhiên, chưa đủ dữ liệu để kết luận về việc một người kiếm ra số tiền lớn hơn 50o.000 USD/năm thì có hạnh phúc hay không. Vậy nên, trong khi tiền chưa chắc đã là chìa khóa của hạnh phúc, nhà nghiên cứu Matthew Killingsworth đến từ Đại học Pennsylvania khẳng định: “Tiền sẽ giúp bạn tiếp cận hạnh phúc”.
Tuy nhiên, kết quả cuộc nghiên cứu của ông Killingsworth cũng ghi nhận một nhóm người có tiền mà vẫn không vui vẻ. Theo đó, khoảng 20% người được khảo sát thuộc nhóm thiểu số “giàu mà vẫn buồn”.
Với nhóm người này, vượt ra ngoài mức thu nhập 100.000 USD/năm (khoảng 2,36 tỷ đồng/năm), có kiếm thêm bao nhiêu tiền cũng không ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của họ. Hai nghiên cứu của Daniel Kahneman và Matthew Killingsworth chỉ ra rằng một khi vượt qua ngưỡng 100.000 USD/năm, tiền bạc không thể xoa dịu những nỗi đau trong cuộc sống, ví dụ như thất tình, mất người thân, trầm cảm…
“Nếu bạn có tiền mà vẫn đau khổ, có thêm tiền cũng không giúp được gì”, Killingsworth khẳng định.