Kết quả chỉ ra rằng việc thanh toán trước cho nhà đầu tư dự án BT trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế giá trị gia tăng cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh. Đây là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách nhà nước
Bên cạnh bất cập trên, Đoàn Giám sát cũng lưu ý các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, thanh toán chưa chặt chẽ.
Thanh toán dự án BT không đảm bảo nguyên tắc ngang giá
Một trong những bất cập được Đoàn giám sát nêu ra là tình trạng các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
Đồng thời, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Không những thế, việc tổ chức thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Cũng theo báo cáo của Đoàn giám sát, từ khi ban hành Luật đầu tư theo phương thức công tư (có hiệu lực từ ngày 01/1/2021) đến nay, cơ bản không triển khai được các dự án mới, đầu tư dự án theo hình thức này có chiều hướng giảm sút. Một số dự án của ngành giao thông vận tải chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công. Nhiều dự án đang thực hiện cũng rơi vào tình trạng bế tắc, không tiếp tục thực hiện được (các dự án BT tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội).
Thực trạng này khiến cho các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong giải quyết, xử lý do các điều khoản chuyển tiếp không quy định cụ thể, đầy đủ các tình huống có liên quan; gây thất thoát, lãng phí nguồn lực công, nguồn lực xã hội...
Cần lộ trình xử lý dứt điểm các tồn đọng
Trên cơ sở những bất cập đã được chỉ ra, Đoàn Giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành liên quan thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công tới thời điểm 31/12/2021 vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước, đất đai, đấu thầu,.
Trong đó, làm rõ danh mục: (i) Dự án có thất thoát lãng phí, số tiền thất thoát lãng phí được phát hiện; (ii) Dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm để sớm có các giải pháp xử lý cụ thể; (iii) Dự án BT và dự án BOT đang triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chậm nhất trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước khác, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT và dự án BOT đang triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, vốn nhà nước khác. Sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành nhiều năm để phát huy hiệu quả đầu tư, không để tiếp tục hoang hóa, lãng phí.
Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm rà soát, đánh giá, cắt giảm quy mô đầu tư, điều chỉnh dự án thi công đến điểm dừng kỹ thuật hoặc dừng thực hiện.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các tồn đọng ở những dự án BT dở dang đang được phép triển khai thực hiện hoặc phải dừng thực hiện do thay đổi chính sách, không được tiếp tục triển khai thực hiện. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.