Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Môi trường Wangneng (Trung Quốc) về dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại tỉnh Bình Thuận.
Bà Zhang Jiangying, Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Wangneng tại Việt Nam, cho biết Công ty Wangneng là doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc do Tập đoàn Mizuda góp vốn thành lập, có trụ sở chính tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang.
Kể từ lần đầu tiên đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện vào năm 2006 cho đến nay, Công ty đã đầu tư, xây dựng và vận hành 33 dự án phát điện đốt rác thải tại nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc với tổng quy mô xử lý theo thiết kế gần 31.000 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ NDT (khoảng 1,52 tỷ USD). Trong số này, đã có 18 nhà máy đã đưa vào vận hành, hàng ngày xử lý hơn 20.000 tấn rác thải sinh hoạt.
Đại diện Công ty Wangneng cho biết thêm, sau khi tìm hiểu về thị trường Việt Nam, Công ty có ý định đầu tư vào tỉnh Bình Thuận nhà máy đốt rác phát điện có quy mô công suất xử lý 600 tấn/ngày, sử dụng công nghệ lò đốt ghi cơ chuyển động.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã có 4 dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các dự án này cơ bản có công suất tương đối nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương (nhu cầu thực tế của địa phương cần xử lý khoảng 1.000 tấn rác thải/ngày). Chính vì thế, Bình Thuận đang nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp phù hợp để giải quyết có hiệu quả bài toán xử lý rác thải.
Tại buổi làm việc, Công ty đã trình bày đề xuất về Dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại tỉnh Bình Thuận; trong đó nêu rõ quy mô, công suất vận hành, công nghệ sử dụng và tổng mức đầu tư dự kiến. Trên cơ sở đề xuất của Công ty, các đại biểu dự họp đã trao đổi, làm rõ thêm yêu cầu của tỉnh Bình Thuận đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
"Xuất phát" sớm hơn Bình Thuận, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai các nhà máy đốt rác phát điện, điển hình là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn tại Hà Nội do Tập đoàn Thiên Ý (Trung Quốc) làm chủ đầu tư.
Đây là nhà máy đốt rác phát điện có công suất lớn nhất cả nước đã đi vào hoạt động an toàn, ổn định, hoàn thành đầy đủ các giấy phép môi trường và công trình theo quy định.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Đến nay nhà máy đã hoạt động 3 lò đốt rác với công suất đốt gần 3.000 tấn rác/ngày. Dự kiến trong năm 2023, nhà máy sẽ vận hành đủ công suất với 5 lò đốt, công suất 4.000 tấn rác/ngày.
Ngoài Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Hà Nội cũng đang tiến hành xây dựng thêm 2 nhà máy điện rác khác là Nhà máy xử lý rác thải Sepharin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn và dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Núi Thoong (huyện Chương Mỹ)…
Được biết, Tập đoàn Thiên Ý cũng đang đầu tư xây dưng 4 nhà máy ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội... Theo đại diện Tập đoàn Thiên Ý, điện rác sẽ trở thành xu hướng tất yếu để Việt Nam xử lý vấn đề đang rất đau đầu, đó là rác thải sinh hoạt tại hầu hết các tỉnh, thành.
Đi trước Hà Nội, từ năm 2018, thành phố Cần Thơ cũng đã có nhà máy điện rác xử lý mỗi ngày khoảng 500 tấn rác thải sinh hoạt. Dự án này do một tập đoàn môi trường ở Trung Quốc đầu tư xây dựng, có tổng thời gian hoạt động theo hợp đồng là 20 năm.
Đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình đốt rác phát điện và đang có kế hoạch mở rộng thêm.
Ông Chen Wei - Tổng Giám đốc Nhà máy xử lý Chất thải rắn Cần Thơ cho biết, kể từ khi tiếp nhận rác vào ngày 15/10/2018 đến nay nhà máy chúng tôi đã có hơn 1.500 ngày đêm hoạt động ổn định không gặp sự cố nào. Được sự công nhận của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ đốt rác phát điện này là phù hợp với điều kiện xử lý rác thải sinh hoạt của Việt Nam.
Sở dĩ các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ưu thế trong cuộc đua về phát triển công nghệ điện – rác là do quốc gia này cũng đã từng phải đối mặt với vấn nạn ùn ứ rác thải ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, với công nghệ phát triển nhanh nên công tác xử lý đốt chất thải đô thị của Trung Quốc đã có bước tiến lớn trong thời gian ngắn. Đến cuối năm 2012, Trung Quốc có 142 nhà máy đốt chất thải sinh hoạt phát điện đã được xây dựng và đưa vào vận hành hoạt động, tổng quy mô xử lý là 124 nghìn tấn, tổng công suất lắp đặt khoảng 2.600 MW.
Hiện tại, số lượng hệ thống đốt chất thải mới xây tại Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa của thế giới. Khả năng đốt chất thải phát điện trên toàn Trung Quốc có thể đạt trên 310 nghìn tấn/ngày.