Theo trang tin CNBC, ngành công nghệ của Trung Quốc trong 2 năm gần đây đã phải trải qua nhiều biến động lớn, khi các quy chế giám sát được thắt chặt khiến cả tỷ USD vốn hóa thị trường bị "thổi bay".
Tuy nhiên, hiện đã có nhiều dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc đang dần nới lỏng hạn chế đối với những gã khổng lồ internet nước này.
Ví dụ, ngày 29/3 vừa qua, Alibaba đã công bố một kế hoạch cải tổ lớn chia tập đoàn này thành 6 đơn vị nhỏ để "giải phóng giá trị cho cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường".
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kế hoạch này hoàn toàn đi ngược với những quy định của Bắc Kinh - khi giới chức địa phương thường lên án việc "mở rộng vốn một cách vô trật tự" của các công ty công nghệ - còn các đơn vị nhỏ của Alibaba hiện có thể huy động vốn ngoài và thậm chí là niêm yết cổ phiếu.
Nhận xét về điều này, ông George Efstathopoulos - Giám đốc Đầu tư tại Fidelity International - cho biết: "Những gì ngành công nghệ Trung Quốc phải chịu đựng trong 2 năm qua đang dần bị xóa bỏ". Theo ông, động thái trên cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã thực sự "bật đèn xanh" cho lĩnh vực này.
Sự trở lại của Jack Ma
Theo CNBC, việc Alibaba tái cơ cấu không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy Bắc Kinh đang dần nới lỏng các quy định giám sát công nghệ. Sự trở lại trước công chúng của nhà sáng lập Jack Ma sau nhiều năm cũng là minh chứng cho điều này.
Theo một số nguồn tin, vị tỷ phú là người châm ngòi cho những kiểm soát vào ngành công nghệ của Chính phủ Trung Quốc vào tháng 10/2020, sau khi ông đưa ra những bình luận chỉ trích cơ quan quản lý tài chính nước này. Vài ngày sau, Ant Group - công ty công nghệ tài chính của Alibaba do Jack Ma kiểm soát - buộc phải hủy niêm yết kép tại cả Hong Kong và Thượng Hải.
Do đó, sự xuất hiện trở lại của ông ở Hàng Châu - nơi đặt trụ sở chính của Alibaba - được coi là một dấu hiệu cho thấy cái nhìn tích cực hơn của giới chức đối với lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác về việc nới lỏng quy định cũng đã xuất hiện trong vài tuần qua.
Vào năm 2021, ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã bị hạn chế nặng nề khi các nhà chức trách ngày càng lo ngại về tình trạng nghiện game của giới trẻ Trung Quốc. Trong những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nước này thậm chí còn "đóng băng" việc phê duyệt phát hành các trò chơi mới.
Tuy nhiên, trong tháng 3, giới chức Trung Quốc bắt đầu thả lỏng quy định đối với việc phát hành trò chơi điện tử của các công ty trong nước, một vài tựa game nước ngoài nổi bật cũng đang được xem xét tham gia vào thị trường này.
Trong khi đó, gã khổng lồ gọi xe công nghệ Didi - một trong những công ty bị hạn chế nhiều nhất trong "cuộc đại tu quy định 2020" - mới đây đã công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trước đó, Didi đã niêm yết lần đầu tại Mỹ vào tháng 6/2021 nhưng rồi buộc phải hủy niêm yết do các cơ quan quản lý Trung Quốc không thông qua.
Tìm sự hỗ trợ từ nước ngoài
Ngoài việc hâm nóng lĩnh vực công nghệ trong nước, Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Tháng vừa rồi, ban lãnh đạo các công ty công nghệ nước ngoài - bao gồm CEO Apple Tim Cook và CEO Qualcomm Cristiano Amon - đã đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ các quan chức chính phủ.
Nhận xét về điều này, bà Linghao Bao - nhà phân tích công nghệ tại Trivium China - cho biết: "Trung Quốc đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự cạnh tranh công nghệ gay gắt từ Mỹ. Trong tình huống khó khăn này, họ cần nền kinh tế hoạt động hết công suất và nới lỏng quy định cho nhóm ngành công nghệ là lựa chọn hàng đầu".
Tuy nhiên, ông Xin Sun - Giảng viên Cấp cao về kinh tế Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King's College London - lại cảnh báo rằng dù đã có những dấu hiệu đầy hứa hẹn nhưng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng.