Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, liệu họ đã đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng lớn hay chưa?
Trong thời gian vừa qua, với việc tập trung vào phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là một loạt các chương trình, chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi toàn cầu của Chính phủ nhằm chiếm lĩnh thị phần đang còn bị bỏ ngỏ rất lớn của Việt Nam với hàng chục tỷ USD chi ra để nhập khẩu nguyên liệu để lắp ráp và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đến thời điểm này, năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những bước bứt phá. Các doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội sau đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng dịch chuyển trong đầu tư sản xuất toàn cầu và có thể tham gia được vào các chuỗi sản xuất của các tập đoàn thế giới, đặc biệt đang có mặt tại Việt Nam như Samsung, Toyota, Honda…
Trong quá trình mở rộng sản xuất, tiếp cận các thị trường, theo ông đâu là khó khăn và thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam?
Về thuận lợi, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ hết sức quan tâm, đồng thời đã và đang chỉ đạo các chính sách rất lớn để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ, từ đó, phát triển kinh tế đất nước, góp phần vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc tiếp cận, sở hữu các công nghệ mới và các dây chuyền sản xuất mới đảm bảo được các tiêu chí tham gia được các chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng như là chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cùng với vấn đề công nghệ, các doanh nghiệp cũng đang đối diện với khó khăn về tài chính. Trong khi đó, nguồn vốn tài chính là một trong những vấn đề rất quan trọng để cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đủ điều kiện để có thể tham gia vào đầu tư vào sản xuất vào lĩnh vực đầy quan trọng này.
Thứ ba là vấn đề lao động. Đây là vấn đề không kém phần quan trọng bởi trong thời gian vừa qua việc đào tạo của chúng ta có một số bất cập.
Việc đào tạo các công nhân kỹ thuật, các kỹ thuật tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao theo tôi cần có trọng điểm để có thể định hướng tham gia vào sản xuất để tham gia được chuỗi sản xuất của ngay chính chúng ta và vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Những kiến nghị đối với Chính phủ về cơ chế chính sách trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là gì, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng đó là xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội và sớm ban hành trong thời gian sớm nhất.
Bởi việc chúng ta có nền tảng thể chế tốt thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có con đường đi đúng và các cơ quan bộ, ngành, Trung ương, địa phương và các hiệp hội có được định hướng để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm ra đời và có thể hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu, cũng như kết nối đầu ra giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Về phía Hiệp hội có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thưa ông?
Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp thành phố Hà Nội là Hiệp hội đầu tiên ra đời ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sau đó tiến tới thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chúng tôi nhận thức và thấy được rằng cần phải có sự liên kết với nhau để hỗ trợ nhau.
Trong hội viên của chúng tôi, có những hội viên chuyên sâu trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp, có những hội viên chuyên sâu về đào tạo và cung ứng lao động và có những hội viên chuyên sâu trong cung ứng đầu vào và kết nối đầu ra.
Như vậy, chúng tôi tạo thành một chuỗi để cùng nhau sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt là tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp thành phố Hà Nội đã cùng nhau để thành lập một học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đầu tiên do tư nhân đầu tư, chuyên đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội và Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung xây dựng đề án thí điểm trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để sớm xem xét và ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong việc xây dựng Đề án khuyến khích, thúc đẩy hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Xin cám ơn ông!