- Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đợt giảm mạnh trong quý II khi chỉ số VN-Index đánh mất ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm, lọt top 15 chỉ số chứng khoán diễn biến tiêu cực nhất thế giới.
Vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE mất 1,08 triệu tỷ đồng. Thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân sàn HoSE trong tháng 6 chỉ đạt 14.529 tỷ đồng, mức thấp nhất trong một năm trở lại đây.
Biến động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cá nhân mà còn tác động rất xấu đến kết quả kinh doanh của các bên tham gia thị trường, bao gồm các công ty chứng khoán.
Loạt công ty lỗ khủng
Chứng khoán Apec (APS) trở thành đơn vị kinh doanh kém sắc nhất trong ngành môi giới. Công ty chỉ có 56 tỷ doanh thu hoạt động nhưng bị lỗ trước thuế 442 tỷ đồng, xấu hơn rất nhiều so với mức lãi 13 tỷ cùng kỳ.
Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng lý giải kết quả là do thị trường chứng khoán biến động tiêu cực, thua lỗ chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh và một phần giảm nhẹ của mảng doanh thu môi giới.
Thực tế, báo cáo cho thấy công ty có khoản lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) đột biến gần 490 tỷ đồng. Một số mã chứng khoán suy giảm nghiêm trọng trong quý vừa qua như IDJ (-254 tỷ), API (-190 tỷ) hay còn thua lỗ tại NBB, AAT.
Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) thậm chí còn ghi nhận doanh thu hoạt động âm 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 595 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng tăng vọt 50% lên mức 223 tỷ đồng.
Kết quả công ty bị lỗ trước thuế 372 tỷ đồng, xấu hơn rất nhiều so với khoản lãi 384 tỷ cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải thị trường bất ngờ diễn biến tiêu cực dẫn đến mảng đầu tư bị lỗ 433 tỷ đồng là nguyên nhân chính làm kết quả chung tiêu cực.
Công ty mẹ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bị lỗ 268 tỷ đồng trước thuế. Nguyên nhân chính do diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán năm đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Danh mục tự doanh hiện gồm một số ngân hàng đầu ngành, công ty chăn nuôi Dabaco và thép Hòa Phát.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) mặc dù ghi nhận quy mô hoạt động mở rộng mạnh 132% lên mức 662 tỷ đồng nhưng lại báo cáo lỗ kỷ lục 129 tỷ đồng.
Khoản lỗ chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư tài chính, gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp với khoản mục lỗ FVTPL gần 528 tỷ đồng. Trong đó có cắt lỗ 87 tỷ đông với một số cổ phiếu và bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với mức lỗ hơn 280 tỷ đồng.
Một số nhà môi giới chứng khoán cũng bị lỗ hàng trăm tỷ đồng do sự kém sắc của hoạt động tự doanh như Chứng khoán ACB (ACBS) gần 200 tỷ đồng, Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) hay Chứng khoán APG.
Công ty lớn vẫn sống khỏe
Xét trên tổng thể, ngành chứng khoán dù có giai đoạn rất khó khăn bởi xu hướng nhưng vẫn được giữ nhịp bởi các doanh nghiệp đầu ngành vẫn có kết quả tương đối ổn định.
Tổng lợi nhuận trước thuế của top 30 công ty chứng khoán hàng đầu chỉ còn khoảng 3.300 tỷ đồng, tức đã giảm 3.000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn khoảng 5.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục của quý IV/2021.
Việc suy giảm lợi nhuận khiến quy mô vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp đi xuống nhanh chóng, thậm chí hiện cả VNDirect và SSI đều đã không thể trụ được trong nhóm công ty vốn hóa tỷ đô.
Ở nhóm công ty đầu ngành, lợi nhuận của hầu hết công ty cũng đều chững lại, thậm chí đi lùi do sự hạ nhiệt của thị trường. Tuy nhiên kết quả kinh doanh thực tế chưa phải quá tiêu cực như nhóm công ty nhỏ.
Một loạt cái tên đáng chú ý như lợi nhuận Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) mặc dù vẫn tăng trưởng về doanh thu nhưng chi phí cao đẩy lợi nhuận trước thuế giảm 17% so với cùng kỳ về 831 tỷ đồng , tuy nhiên vẫn duy trì là công ty lãi tốt nhất ngành.
Một số công ty top đầu khác như Chứng khoán SSI suy giảm 26% về lợi nhuận, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giảm khoản 30% hay Chứng khoán TPHCM (HSC) chỉ giảm nhẹ 1%...
Đáng chú ý nhất là VNDirect ngược dòng toàn ngành khi công bố doanh thu quý II tăng trưởng 74% lên trên 1.800 tỷ đồng nhờ hoạt động cho vay margin tăng cao và điểm sáng đầu tư vào cổ phiếu PTI đem về mức lãi lớn.
Mặc dù VNDirect cũng có khoản lỗ FVTPL hàng trăm tỷ đồng nhưng tác động không quá tiêu cực đến kết quả chung. Lợi nhuận trước thuế thu về 647 tỷ đồng, tăng đến 32% so với cùng kỳ.
Một số điểm sáng khác ở các công ty chứng khoán ngoại như Mirae Asset, KBSV, Maybank nhờ lãi cho vay và phải thu. Hay Smart Invest (AAS) có lợi nhuận gấp hàng chục lần so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy sau chuỗi kinh doanh ấn tượng với thị trường thì nhóm chứng khoán đã hạ nhiệt đáng kể, quý II đã không còn ghi nhận doanh nghiệp nào có thể tiến vào nhóm công ty lãi nghìn tỷ đồng một quý.
Tính chung 6 tháng đầu năm, bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán vẫn là những con số khả quan nhờ kết quả tốt trong quý đầu năm. Hầu hết doanh nghiệp có lợi nhuận bán niên là con số dương, phần lớn các công ty top đầu tăng trưởng lợi nhuận.
Sự hạ nhiệt của thị trường chung cũng khiến quy mô cho vay của ngành chứng khoán thu hẹp. Tổng dư nợ cho vay margin còn khoảng 140.000 tỷ đồng tại cuối quý II, tức giảm 42.000 tỷ so với cuối quý I.
Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán ước tính cũng đã giảm 20.000 tỷ so với quý trước về khoảng 80.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư theo phương thức công ty chứng khoán quản lý, đang nằm sẵn trong tài khoản và có thể được giải ngân.