Nhiều nhân viên, thậm chí cấp quản lý, phải vật lộn để vượt qua nỗi bất an, sợ hãi và bắt nạt mình từng chịu đựng tại nơi công sở. Tệ hơn, họ trở nên cảnh giác thái quá ngay cả khi đã chuyển sang công ty mới. Điều này dần khiến họ giảm đi sự hứng khởi và năng suất làm việc.
Dưới đây, Harvard Business Review đưa ra những phương pháp hữu ích để bạn rũ bỏ được quá khứ công sở không mấy tích cực, đồng thời lấy lại sự tự tin.
Tìm cách quên đi
Nhận thức việc kết thúc chuỗi cảm xúc tiêu cực rất quan trọng. Nó giúp bạn chấp nhận quá khứ và chuyển tiếp sang trang mới dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, thay vì phẫn nộ người sếp đã liên tục chối bỏ nỗ lực của mình, nhân viên nên tìm kiếm sự công nhận từ chính bản thân họ trước.
Bên cạnh đó, bạn nên dành thêm thời gian và không gian để bản thân được thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình. Viết thư, xóa bỏ các tệp công việc trên máy tính hay cắt nhỏ những giấy tờ, tài liệu cũ là những việc làm giải tỏa tâm trạng hữu ích.
Không tự đổ lỗi
Nhiều người có xu hướng tự đổ lỗi như một phản xạ với những tổn thương tâm lý. Trong trường hợp này, đồng cảm và thấu hiểu bản thân sẽ giúp bạn lấy lại sự tự tin vốn có.
Ví dụ, ở nơi làm cũ bạn luôn được yêu cầu phải hoàn thành nhiều công việc khác nhau. Bạn trở nên dễ sai khiến và bạn hình thành thói quen luôn “gật đầu đồng ý”.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng sếp mới là người chịu trách nhiệm chính cho những nhiệm vụ dư thừa bạn phải làm thêm.
Từ chối nhận những đầu việc quá sức hoặc ngoài phận sự của mình là điều bạn nên ưu tiên thực hiện. Hãy để những điều tiêu cực ở công việc cũ là động lực để bạn đặt ra những giới hạn và nguyên tắc làm việc rạch ròi.
Tìm nguyên nhân
Hãy chú ý tới những tình huống từng gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn. Nhận biết được chúng giúp bạn sớm lập được kế hoạch xử lý hiệu quả.
Những tác nhân độc hại thường thấy tại văn phòng bao gồm sự cô lập, cảm giác bất lực hay sự từ chối thường xuyên. Để ứng phó, bạn nên dành thêm thời gian quan sát phản ứng của bản thân.
Thay vì mặc định những suy nghĩ như “Sếp không tôn trọng mình” hay “Mình lại một lần nữa làm hỏng việc”, bạn có thể nhìn nhận và đánh giá vấn đề qua nhiều khía cạnh với cái nhìn khách quan hơn.
Tận hưởng
Não bộ luôn trong tâm thế đề phòng những nguy hiểm tiềm ẩn. Khi bạn trải qua nhiều tổn thương thể chất hay tâm lý, việc này lại càng được củng cố.
Đây là một phần lý do khiến bạn quen thuộc với sự xem nhẹ, chỉ trích hay đe dọa ngay cả khi đã chuyển việc. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng trị liệu tận hưởng tích cực.
Đây là một liệu pháp tâm lý giúp bạn biến khoảnh khắc tích cực thoáng qua hay ngắn hạn thành những trải nghiệm và niềm tin lạc quan lâu dài. Phương pháp này có khả năng gia tăng đáng kể cảm giác hạnh phúc và hài lòng về bản thân.
Dưới đây là một số bước trị liệu đáng để tham khảo:
- Hồi tưởng tích cực: Dành 10 phút mỗi ngày ngẫm lại những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến việc khiến bạn thích thú
- Ba điều tốt: Liệt kê 3 sự kiện vui vẻ mỗi ngày và tìm hiểu lý do chúng diễn ra
- Chia sẻ với người khác: Tạo thói quen trò chuyện và san sẻ niềm vui mỗi ngày với những người thân thiết
- Tự động viên: Tận hưởng những khoảnh khắc bạn được phát huy khả năng của mình
- Tưởng tượng lạc quan: Suy nghĩ chi tiết về những điều tốt đẹp có thể xảy ra vào tương lai.
Ngoài ra, bạn hãy cân nhắc việc mở lòng với người khác. Thoải mái kể lại quá khứ có thể xem là một bước chữa lành quan trọng.
Cuối cùng, làm việc trong một môi trường mới vẫn tồn tại nhiều áp lực rõ ràng. Chưa kể, bạn vẫn có thể đang trong giai đoạn chữa lành khỏi những sang chấn từ công việc cũ. Tuy nhiên, bằng sự kiên nhẫn và khả năng đồng cảm cao, bạn sẽ sớm vượt qua và trở nên kiên cường hơn.