Bất kể nguyên do là gì, làm việc trong một môi trường tiêu cực sẽ nguy hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cả cơ hội phát triển sự nghiệp của bạn.
Tuy nhiên, nhận biết được những mặt xấu của nơi làm việc lại là một điều không hề dễ dàng. Bạn hoàn toàn có thể bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo và hứa hẹn hấp dẫn ngay từ trong quá trình phỏng vấn xin việc.
Dưới đây, The Balance đưa ra một số đặc trưng “độc hại” thường thấy khi đi làm để bạn lựa chọn được nơi làm việc phù hợp.
Đồ miễn phí
Bạn có biết được khi nào thì đãi ngộ cho nhân viên không thực sự mang lại lợi ích không? Đó là lúc chúng được sắp đặt như một “cái bẫy”.
Đồ ăn miễn phí, xăng xe được hỗ trợ, góc trò chơi giải lao… trông có vẻ là những phúc lợi tuyệt vời khi đi làm.
Song, thực tế, chúng được tính toán để phục vụ một mục đích duy nhất: giữ chân bạn lại văn phòng làm việc. Nếu công ty thật sự muốn bạn có cuộc sống tốt hơn, họ sẽ trả lương đủ nhiều để bạn tự mua và hưởng thụ tất cả những gì mình thích.
Lao động trẻ chiếm đa số
Nơi làm việc có nhiều nhân sự mới tốt nghiệp đại học hoặc trong độ tuổi tương tự hứa hẹn mang lại nhiều niềm vui. Bạn sẽ dễ nói chuyện hơn với những đồng nghiệp không quá chênh lệch tuổi tác.
Tuy nhiên, có đội ngũ nhân viên quá trẻ đồng nghĩa với việc công ty có thể đang tìm cách cắt giảm chi phí. Những người ít kinh nghiệm thường được trả lương ít hơn. Thế nên, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi yêu cầu tăng lương.
Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cho thấy công ty đang tìm kiếm những người không chịu quá nhiều gánh nặng tài chính như chăm con hay chu cấp cho bố mẹ già. Những nhân viên như vậy sẽ không bị phân tâm và tập trung cống hiến cho công việc hơn.
Nhân viên thường xuyên trong trạng thái tiêu cực
Nếu được, bạn hãy yêu cầu được kiến tập trực tiếp tại văn phòng làm việc. Trong trường hợp bạn làm việc online, bạn hãy cố gắng quan sát thái độ của những người đồng nghiệp.
Bạn cần đặc biệt chú tâm đến năng lượng tỏa ra từ các nhân viên. Họ có tỏ ra ngao ngán và chán chường không? Nếu có, đây rất có thể là một dấu hiệu làm việc lâu dài trong một môi trường không lành mạnh. Suy cho cùng, hiếm ai có thể luôn vui vẻ và hứng thú khi đang ở bờ vực kiệt sức cả.
Lượng người thôi việc
Trước khi nhận việc, bạn hãy tìm hiểu về tỷ lệ nghỉ việc ở công ty đó. Các trang web đánh giá doanh nghiệp sẽ giúp bạn làm được điều này.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến từ chính những nhân viên cũ của công ty.
Quá nhiều người rời đi là một dấu hiệu đáng nghi ngờ của một nơi làm việc độc hại. Bạn hãy nhớ rằng thời gian trung bình một nhân viên gắn bó với công ty là vào khoảng 4 năm, theo Cục Thống kê Lao động.
Vì vậy, nếu số lượng nhân viên rời đi nhiều hơn trong một thời gian ngắn, bạn hãy xem xét đây là một nhược điểm để chọn lọc nơi làm việc.
Sếp đòi hỏi cực đoan
Đôi khi, chính nhà tuyển dụng sẽ cho bạn biết được mình có phù hợp với công việc hiện tại hay không.
“Tiêu chuẩn của chúng tôi rất cao” hay “Tôi luôn làm việc năng suất và mong nhân viên mình cũng sẽ như thế” là những điều họ thường hay nói trong những buổi phỏng vấn.
Điều này nghe thật hấp dẫn vì hiếm ai lại không muốn làm việc với cấp trên có nỗ lực và mục tiêu lớn. Dù vậy, bạn đừng quên rằng không phải ai hay kể về phong cách làm việc cá nhân cũng sẽ là một người uy tín.
Một người sếp chân thành và kỷ luật có thể không thẳng thắn yêu cầu bạn nỗ lực hết mình. Họ sẽ chỉ xem đó là một điều bạn cần biết.
Trực giác nói ‘không’
Trong bất cứ buổi phỏng vấn nào, lắng nghe linh cảm của bản thân cũng là một điều cần thiết.
Bạn hoàn toàn có thể rơi vào trường hợp đồng ý nhận việc trong khi trực giác liên tục phản đối.
Lúc này, bạn nên dành thêm thời gian tìm hiểu “tiếng lòng” thật sự của bản thân. Nhiều khi, tin tưởng vào giác quan thứ 6 sẽ giúp bạn tránh được những hậu quả không mong muốn.