Sconnect là doanh nghiệp được hình thành theo pháp luật và có trụ sở tại Việt Nam với ngành nghề sản xuất các video, phim hoạt hình về chủ đề giáo dục, giải trí tại các nền tảng YouTube, Facebook, Tiktok trên thị trường quốc tế. Là đơn vị sản xuất phim hoạt hình trẻ, Sconnect thuộc top 10 công ty hàng đầu về sản xuất phim hoạt hình và kinh doanh trên nền tảng xã hội, với tầm nhìn trở thành một thương hiệu sản xuất phim hoạt hình Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới.
Hành trình của Sconnect và Wolfoo trước khi đâm đơn kiện
Sconnect cho biết từ năm 2014 đến năm 2015 công ty bắt đầu nghiên cứu các sản phẩm phim hoạt hình với định hướng phát triển ngành sản xuất phim hoạt hình hướng tới thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Trong giai đoạn từ 2016 - 2018, dựa trên các kết quả nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Mỹ, Sconnect đã sáng tạo và phát triển rất nhiều bộ nhân vật hoạt hình như: Hoạt hình Wolfoo; hoạt hình Gacha; hoạt hình Doodles; hoạt hình Fairy Tales; hoạt hình Max’s Puppy Dog; hoạt hình Tiny - Clay Mixer; hoạt hình Luka... và nhiều các sản phẩm hoạt hình khác.
Sconnect cho biết sau 7 năm sử dụng nhãn hiệu Wolfoo liên tục, chuỗi phim hoạt hình về Wolfoo của Sconnect đã được khán giả nhỏ trên toàn thế giới cũng như Việt Nam đón nhận và ủng hộ. Cụ thể, tổng số người theo dõi trên tất cả các kênh YouTube về nhân vật Wolfoo đạt xấp xỉ 55 triệu người, trong đó có 3 nút kim cương của YouTuBe (mỗi kênh đạt 10 triệu người dùng theo dõi sẽ đạt được nút kim cương). Ngoài ra, còn có hàng chục nút vàng, nút bạc của YouTuBe (mỗi kênh đạt 1 triệu người dùng theo dõi sẽ đạt được nút vàng, 100.000 người dùng theo dõi sẽ đạt được nút bạc).
Hệ thống kênh của Wolfoo đã thu hút hơn 50 triệu lượt theo dõi, gần 30 tỷ lượt xem và nhiều lần lọt top 50 kênh YouTuBe sở hữu nhiều lượt xem nhất do trang công nghệ video trực tuyến Tubefilter công bố.
Công ty này cũng cho biết trước đó đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với “Hình thức thể hiện nhân vật hoạt hình Wolfoo” và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 255/2012/QTG ngày 14/1/2019. Thông tin về Giấy chứng nhận này đã được công bố trên trang web của Cục Bản quyền Tác giả. Sconnect cũng nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với “Kịch bản phim hoạt hình “Wolfoo và những người bạn” và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2687/2021/QTG ngày 27/04/2021. Ngoài ra công ty còn nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với Phim hoạt hình “Wolfoo và gia đình” và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2905/2002/QTG ngày 15/4/2022.
Sconnect cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Wolfoo, hình” với số đơn 4-2021-46377 vào ngày 25/11/2021 cho các nhóm hàng hóa/dịch vụ 09, 14, 16, 18, 20, 21, 24, 25, 28, 41. Thông tin đơn đã được ghi nhận trên Công báo Sở hữu công nghiệp số 407 tháng 2/2022 (về kết quả thẩm định hình thức, Cục SHTT đã ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ số 103306/QĐ-SHTT ngày 28/12/2021 đối với nhãn hiệu này).
Tại thị trường nước ngoài, cụ thể tại Mỹ, Sconnect cho biết nhãn hiệu “Wolfoo, hình” của công ty Sconnect đã được đăng ký đầu tiên vào ngày 22.03.2021 với số đơn 90593434. (Link: https://branddb.wipoint/branddb/en/showDate.jsp?ID=USTM.90593434). Thông tin đã được công bố của đơn đăng ký tại Mỹ. Ở Mỹ, ngày 6/1/2021, Sconnect cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả số 1-422-930 đối với nhóm tác phẩm chưa công bố, trong đó có hình ảnh nhân vật Wolfoo gắn liền với tên gọi Wolfoo.
Tính đến thời điểm kết thúc tháng 5/2022, Sconnect đã và đang tiến hành các thủ tục để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Wolfoo, hình” tại Liên minh Châu Âu (EU), Nga.
Cuộc chiến pháp lý giữa... chú sói con và cô lợn con
Trong đơn kiện của mình, Sconnect cho biết tháng 6/2022 công ty phát hiện EO (chủ sở hữu nhân vật hoạt hình Peppa Pig - cô lợn con) đã sử dụng cụm từ “Wolfoo” trong phần video tag (thẻ từ khóa) của hàng loạt các tập phim hoạt hình Peppa Pig được đăng tải trên các kênh nhiều YouTuBe có liên quan đến Peppa Pig. Cho đến thời điểm lập vi bằng, số lượng các tập phim của Peppa Pig sử dụng từ khóa “Wolfoo” trong phần video tag bị phát hiện là 53 tập phim. Các tập phim Peppa Pig có sử dụng từ khóa “Wolfoo” được công chiếu bắt đầu từ tháng 6 năm 2018.
Theo đó, khi người dùng tìm kiếm video sử dụng khóa “ Wolfoo”, các video của Peppa Pig đã sử dụng thẻ tag “Wolfoo” sẽ xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm của người dùng.
Sconnect cho rằng, các video tag Wolfoo được bắt đầu sử dụng trong các video được đăng tải từ năm 2018, tuy nhiên mãi đến năm 2022 Sconnect mới phát hiện các hành vi vi phạm này do các thẻ khóa này không hiển thị công khai với người xem video như các video tag thông thường được sử dụng trong phần mô tả video trên YouTube. Thay vào đó, các từ khóa này được chủ sở hữu kênh thiết lập khi đăng tải video và thông thường chỉ chủ sở hữu kênh mới biết các từ khóa nào được sử dụng.
Còn với những người không phải chủ sở hữu kênh, chỉ có thể phát hiện việc sử dụng các video tag này thông qua các phần mềm kỹ thuật chuyên dụng. Và chính người xem thông thường là trẻ em và phụ huynh cũng đang không biết các quyết định của mình bị dẫn dắt bởi hành vi sử dụng nhãn hiệu Wolfoo trái pháp luật vô cùng tinh vi này.
Công ty của Việt Nam cho rằng, so sánh sản phẩm của EO và Sconnect có thể nhận thấy, các sản phẩm mà EO gắn từ khóa “Wolfoo” là các phim hoạt hình về Peppa Pig và sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ là phim hoạt hình Wolfoo đã được Sconnect đăng ký bản quyền. Phía EO cũng đã từng cung cấp lời khai nhân chứng của Yannick Ferrero trong vụ kiện tại Vương Quốc Anh giữa Sconnect và EO, cũng đã thừa nhận việc nhiều người xem thể hiện ý kiến cho rằng phim hoạt hình Wolfoo là sản phẩm làm lại của phim hoạt hình Peppa Pig hoặc có cùng nguồn gốc là do EO sản xuất ra.
“Như vậy, thứ nhất, việc các nguyên đơn thêm trực tiếp các từ khóa Wolfoo vào phần video tag là hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng khớp với nhãn hiệu thuộc sở hữu của Sconnect được bảo hộ. Mặc dù các video tag này không hiển thị công khai tuy nhiên vẫn đem đến hệ quả tương tự như các video tag được sử dụng công khai trong phần mô tả của video, thậm chí cho thấy rõ sự hiểu biết và cách thức vi phạm nhãn hiệu vô cùng tinh vi của các bị đơn. Thứ hai, các sản phẩm mang nhãn hiệu của nguyên đơn và các sản phẩm của bị đơn sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo đều có sự tương đồng về bản chất cùng làm phim hoạt hình trẻ em và cùng nhóm đối tượng khán giả”, đơn kiện gửi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội của Sconnect khẳng định.
Do vậy, trong đơn khởi kiện và các tài liệu gửi tới Toà án Nhân dân TP Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig, đồng thời đề nghị toà xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.
Trước khi đâm đơn khởi kiện và các tài liệu gửi tới Toà án Nhân dân TP Hà Nội, cuối tháng 3/2022, Sconnect cũng đã nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm khoản 3, và khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh). Cụ thể, EO đã có hành vi gửi các thông tin không đúng sự thật làm hạ uy tín, danh dự của Sconnect và bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo. Đồng thời EO còn dùng nhiều thủ đoạn gây rối làm gián đoạn và tạm ngừng hoạt động kinh doanh của Sconnect trên môi trường số, gây thiệt hại đáng kể cho Sconnect về kinh tế. Theo tính toán, hành vi của EO gây thiệt hại cho Sconnect lên tới 300.000 USD.