Theo báo cáo phân tích của Mirae Asset, Công ty CP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đang quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp và dự kiến tăng mạnh trích lập dự phòng trong quý cuối năm, qua đó khiến doanh nghiệp chịu lỗ trong năm 2022.
Theo đó, Mirae Asset ước tính nhà thầu xây dựng đầu ngành này sẽ đạt doanh thu 10.440 tỷ đồng cho cả năm, tăng 15% so với năm 2021. Dù vậy, giá vốn tăng cao đẩy biên lợi nhuận gộp cả năm xuống dưới 3,5%.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp rưỡi lên 793 tỷ đồng, đồng thời doanh nghiệp tăng trích lập dự phòng thêm hàng trăm tỷ đồng so với năm ngoái.
Kết quả, Mirae Asset dự phóng Coteccons bị lỗ khoảng 110 tỷ đồng (kết quả 9 tháng đầu năm vẫn lãi trước thuế 8 tỷ đồng) và không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trước đó, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4, lãnh đạo Coteccons đã nhìn nhận thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nên đặt kế hoạch khá thận trọng so với các doanh nghiệp cùng ngành. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu trên 15.00 tỷ và lãi sau thuế 20 tỷ đồng.
Mirae Asset cho biết thêm Coteccons đã ghi nhận thêm 1.800 tỷ các khoản phải thu ngắn hạn trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng 700 tỷ đồng cho 3 khách hàng lớn nhất là Ngôi Sao Việt, Triton, Kenton.
Nhóm phân tích lưu ý rằng việc trích lập cho các khoản phải thu cũ này chưa được thực hiện, mặc dù các dự án đã hoàn thành cách đây vài năm và đến nay vẫn chưa được thanh toán. Coteccons theo đó phải tiến hành tái cấu trúc diện rộng, bao gồm tích cực trích lập dự phòng nhằm lành mạnh hóa báo cáo tài chính.
Trong khi đó, việc dự án The Spirit of Saigon (Khu tứ giác Bến Thành) dù đã thực hiện nhưng bất ngờ thay đổi nhà thầu thi công, cùng với việc chậm tiến độ có thể sẽ buộc Coteccons phải trích lập thêm một khoản dự phòng vào quý IV này.
Doanh nghiệp còn đối mặt với áp lực giá vốn đầu vào khi các nguyên vật liệu chính và chi phí nhân công tăng mạnh. Điều này đẩy biên lợi nhuận gộp xuống mức kỷ lục dưới 1,1% trong quý III và có thể kéo biên lãi gộp cả năm về dưới 3,5% như dự phóng.
Tuy nhiên, giá các vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, trang thiết bị...) đang có xu hướng chững lại. Chuyên gia Mirae Asset kỳ vọng biên lãi gộp đã chạm đáy và có thể hồi phục chậm trong năm 2023.
Cho năm 2023, nhóm phân tích nhận thấy các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục gặp thách thức từ thị trường bất động sản đóng băng. Riêng Coteccons vẫn có backlog (giá trị hợp đồng để lại) cho năm 2023 lên đến 17.000 tỷ đồng, đảm bảo cho sự tăng trưởng năm tới.
Doanh nghiệp đầu ngành này đang triển khai một số dự án bất động sản cao cấp như Diamond Crown, Ecopark, cụm dự án Vinhomes The Emerald Golfview, Crystal Palace... cũng như các dự án có vốn FDI lớn như Apache, Tesa và gần nhất là nhà máy tỷ USD của Lego.
Cũng nhắc thêm rằng Coteccons đang ghi nhận backlog theo cách tính mới, phần lớn đang đến từ những hợp đồng theo mô hình fast-track, tức là giá trị hợp đồng ký được thực tế thay vì cộng cả giá trị các hợp đồng MOU (biên bản ghi nhớ hợp tác).
Với cách tính backlog và giá trị đem sang năm 2023 lên đến 17.000 tỷ đồng, Mirae Asset đánh giá Coteccons sẽ là doanh nghiệp có ít rủi ro phát sinh nợ xấu và sẽ có sự tăng trưởng bền vững hơn vì luôn đặt kế hoạch thận trọng và khiêm tốn trong năm mới.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...