Suốt vài ngày qua, ngân hàng Credit Suisse đã phải vật lộn với những tin đồn trên mạng xã hội về tình hình tài chính của công ty. Nhà băng này cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư và khách hàng rằng giá cổ phiếu giảm mạnh và Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) tăng vọt không nói lên câu chuyện thực sự về tình hình sức khỏe của họ.
Trọng tâm của cơn bão xoay quanh một câu hỏi đơn giản mà các nhà phân tích và bình luận thị trường đã đặt ra kể từ khi Credit Suisse tuyên bố vào mùa hè rằng họ sẽ từ bỏ mảng ngân hàng đầu tư của mình và cắt giảm 1,5 tỷ francs Thụy Sĩ chi phí. Vậy số tiền mà Credit Suisse đang cần lớn đến mức nào?
Tháng trước, các nhà phân tích tại Deutsche Bank ước tính rằng những động thái cải tổ quyết liệt sẽ khiến nhà băng Thụy Sĩ cần huy động thêm tới 4 tỷ francs Thụy Sĩ để phục vụ việc tái cấu trúc, cho các nhu cầu phát triển các ngành nghề kinh doanh khác và áp lực pháp lý yêu cầu tăng vốn.
Việc từ bỏ mảng ngân hàng đầu tư và sa thải hàng nghìn nhân viên sẽ dẫn đến việc mất một lượng lớn chi phí bồi thường. Ngân hàng này cũng sẽ cần đầu tư vào các bộ phận khác của hoạt động kinh doanh - đặc biệt là mảng quản lý tài sản - để tăng nguồn thu và bù đắp cho phần doanh thu bị mất.
Vào thứ sáu tuần trước, các nhà phân tích tại Keefe, Bruyette & Woods đã đưa ra con số mà Credit Suisse cần có thể là 6 tỷ francs Thụy Sĩ. Trong 6 tỷ francs đó, 1 phần sẽ tới từ việc bán bớt tài sản, và 1 phần khác (khoảng 4 tỷ francs) sẽ được huy động từ các nhà đầu tư. Số tiền này sẽ được sử dụng "phù hợp với kế hoạch tăng trưởng rõ ràng và/hoặc bù đắp bất kỳ điều gì có thể xảy ra trong tương lai như kiện tụng hoặc lo ngại việc mất khách hàng".
Đối với một ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường đã giảm xuống 10 tỷ francs trong những tuần gần đây sau khi giá cổ phiếu giảm 25%, triển vọng về việc lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư, những người đã phải chịu thua lỗ từ các vụ bê bối như Archegos và Greensill, dường như ngày càng trở nên khó khăn.
Các giám đốc điều hành cấp cao của ngân hàng này thì cho biết họ sẽ tiết lộ kế hoạch chi tiết về việc mảng ngân hàng đầu tư bị cắt giảm của mình vào cuối tháng. Họ cũng khẳng định rằng việc huy động thêm vốn sẽ là biện pháp cuối cùng.
Một nhân viên Credit Suisse đã dành cả cuối tuần để gọi điện cho các khách hàng và đối tác hàng đầu để cố gắng trấn an họ về tình hình tài chính của ngân hàng.
“Chúng tôi sẽ thực hiện bán tài sản và thoái vốn nhằm mục đích duy nhất là hướng tới một doanh nghiệp ổn định”.
Các nhà phân tích cho biết, việc bán mảng ngân hàng đầu tư có thể mang về cho Credit Suisse 2 tỷ francs.
Các nhà quản lý của Credit Suisse đã vô cùng bận rộn thời gian gần đây sau khi có thông tin Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của ngân hàng này – công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng – tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản. Đầu năm nay chúng chỉ ở mức 57 điểm cơ bản. Tình huống trở nên tồi tệ vào cuối tuần qua khi các diễn đàn mạng và mạng xã hội tràn ngập tin đồn về sự sụp đổ sắp xảy ra của ngân hàng.
Đến thứ hai, rõ ràng là chiến dịch truyền thông của Credit Suisse đã thất bại, không những không xoa dịu được thị trường mà còn khiến tình hình thêm hỗn loạn. Các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse.
Hai vấn đề mà các nhà đầu tư và các nhà bình luận trên mạng xã hội quan tâm nhất là tình hình vốn của ngân hàng có đủ để đối phó với giai đoạn căng thẳng ngắn hạn. Về phần mình, phía Credit Suisse khẳng định rằng họ không có rủi ro.
Nhìn vào kết quả kinh doanh hàng quý mới nhất, Credit Suisse đã báo cáo tỷ lệ Vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (CET1) - phản ánh khả năng phục hồi tài chính của ngân hàng ở mức 13,5%, nằm trong mục tiêu 13-14% cho năm nay. Con số này tăng từ 11,4% năm 2015 và 12,9% năm 2020, tương đương 37 tỷ francs.
So với các ngân hàng châu Âu khác, Credit Suisse có tỷ lệ CET1 tương tự như UBS, HSBC, Deutsche Bank và BNP Paribas.
Trên hết, ngân hàng có 15,7 tỷ francs vốn cấp một bổ sung (AT1), được huy động từ việc phát hành trái phiếu “chuyển đổi dự phòng”.
Ngoài ra, nhìn vào kết quả tài chính gần đây nhất, ngân hàng có 44,2 tỷ francs "vốn cấp hai", đây là vốn bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý Thụy Sĩ để xử lý các khoản lỗ mà không dẫn đến phá sản.
Giám đốc điều hành Credit Suisse cho biết: “Chúng tôi sẽ cần tiêu hết 97 tỷ francs vốn trước khi có bất kỳ điều gì xảy ra với khách hàng hoặc nhân viên. UBS đã đốt hàng tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính và được cứu trợ. Nhưng đây không phải là tình huống của Credit Suisse hiện nay”.
Các nhà phân tích tại KBW so sánh tình huống của Credit Suisse với cuộc khủng hoảng niềm tin đã làm rung chuyển Deutsche Bank 6 năm trước. Sau đó, nhà băng Đức đã phải đối mặt với những câu hỏi lớn hơn về chiến lược của mình cũng như những lo ngại ngắn hạn về chi phí thanh toán để chấm dứt một cuộc điều tra của Mỹ liên quan đến chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản thế chấp.
Deutsche Bank đã chứng kiến CDS tăng lên, xếp hạng nợ của bị hạ cấp và một số khách hàng rút lui. Căng thẳng đã giảm bớt trong vài tháng khi nhà băng Đức huy động được khoảng 8 tỷ euro (7,8 tỷ USD) vốn mới và công bố chiến lược cải tổ. Tuy nhiên, vấn đề mà ngân hàng gọi là "vòng luẩn quẩn" khi doanh thu giảm và chi phí tài trợ tăng phải mất nhiều năm sau mới có thể giải quyết được.
Dẫu vậy, có nhiều khác biệt giữa 2 tình huống này. Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank, và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.
Khi nói đến mức độ thanh khoản, Credit Suisse có tỷ lệ bảo đảm thanh khoản là 191%, cao hơn đáng kể so với hầu hết các đơn vị cùng ngành. Con số này phản ánh lượng tài sản tài chính có tính thanh khoản cao mà ngân hàng nắm giữ có thể được sử dụng để đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn.
Nhà phân tích Kian Abouhossein của JPMorgan cho biết: “Từ quan điểm của chúng tôi, nhìn vào tình hình tài chính của công ty vào cuối quý thứ hai, chúng tôi thấy vị thế vốn và thanh khoản của Credit Suisse là tốt”.
Vào cuối ngày thứ hai, các cổ đông của ngân hàng dường như đã tỏ ra bình tĩnh hơn nhờ những thông điệp trấn an do các nhà phân tích gửi đến. Kết quả là, vào thời điểm đóng cửa giao dịch, cổ phiếu của Credit Suisse đã phục hồi về mức gần giống thời điểm bắt đầu phiên giao dịch buổi sáng.
Ở một diễn biến khác, tại Úc - một nhà báo kinh doanh của tờ ABC - người trước đó vào thứ 7 đăng dòng tweet với nội dung "một ngân hàng đầu tư quốc tế lớn đang trên bờ vực sụp đổ" đã xóa bài đăng này. Ngoài ra, nguồn tin cho biết, phía lãnh đạo tờ ABC cũng đã “nhắc nhở” nhà báo này về các quy tắc phát ngôn trên mạng xã hội.