Nhân viên đại lý yêu cầu khách mua thêm phụ kiện cùng với mẫu iPhone 14. Ảnh: PhoneArena.
15 ngày sau khi mở bán, iPhone 14 vẫn trong tình trạng thiếu hàng. Nhiều khách đã đặt cọc phải chờ đợi, chưa được nhận máy. Trước chênh lệch cung- cầu hiện tại, một số cửa hàng áp dụng hình thức bán hàng “bia kèm lạc”, ép người dùng mua thêm phụ kiện.
Đây là những trường hợp cá biệt, không phải chính sách áp dụng cho toàn hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, nó dẫn đến trải nghiệm kém thoải mái cho khách hàng.
Gói phụ kiện 800.000 đồng đi kèm iPhone 14
Chia sẻ với Zing, ông Minh Quang, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM cho biết vừa liên hệ đến cửa hàng Viettel Store trên đường 3/2, quận 10, để tìm mua iPhone 14 Pro Max. Người này đã đặt trước ở FPT Shop nhưng cửa hàng chậm trễ nên muốn tìm đơn vị khác.
Tại đây, nhân viên cửa hàng thông báo phiên bản khách đang tìm vừa có hàng. Tuy nhiên, để mua sản phẩm, được áp dụng đầy đủ khuyến mãi, người dùng phải lấy gói phụ kiện đi kèm. “Để lấy máy đủ khuyến mãi, anh phải mua thêm phụ kiện cho em. 2,3 món gì đó, củ sạc, ốp lưng, dán màn hình là được”, nhân viên này báo khách.
Giá trị của những phụ kiện phải mua thêm khoảng 800.000 nghìn đồng. Sau khi tính toán, ông Minh từ chối mua hàng tại đây vì không thoải mái, giá cao hơn những đơn vị khác. “Sạc nhanh tôi có sẵn rồi, ốp lưng đang dùng cũng là loại đắt tiền nên không muốn mua thêm. Danh sách phụ kiện họ đưa ra toàn thương hiệu lạ, giá cao”, ông Minh chia sẻ.
Trong khi đó, một khách hàng khác đã quyết định mua kèm “lạc” vì thấy giá hợp lý. “Mình mua iPhone 14 Pro Max màu vàng, giảm giá còn 30,5 triệu đồng, nhưng phải mua thêm phụ kiện 800.000 đồng”, ông Ngô Tâm, vừa nhận máy tại chi nhánh Viettel Store trên đường Ung Văn Luông, quận 6, TP.HCM kể lại.
Nhân viên tư vấn yêu cầu khách phải mua bộ phụ kiện đi kèm.
Trả lời Zing, đại diện hệ thống Viettel Store cho biết công ty không có chủ trương yêu cầu khách nhận iPhone 14 phải mua kèm phụ kiện như thông tin gần đây. Phía nhà bán lẻ cho biết đây có thể là hành động tự phát của nhân viên hoặc hiểu lầm từ phía khách hàng khi được tư vấn.
“Hệ thống có chính sách bán phụ kiện chính hãng Apple kèm iPhone giảm giá. Nên một số nhân viên muốn mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng tư vấn chưa tốt dẫn đến hiểu lầm. Chúng tôi khẳng định việc nhân viên tư vấn gây hiểu lầm hoàn toàn sai với chủ trương của công ty”, đại diện Viettel Store nói.
Áp lực bán phụ kiện kèm iPhone
Khi được hỏi, các nhà bán lẻ đều không đề cập đến việc ép người dùng mua phụ kiện kèm iPhone dưới dạng “bia kèm lạc”. Tuy nhiên, đây là một nguồn thu lớn đối với các hệ thống. Do đó, nhiều nhân viên bán hàng chịu áp lực, phải đủ chỉ tiêu doanh số.
Khi mua điện thoại tại các hệ thống bán lẻ, người dùng luôn được nhân viên tư vấn hoặc chèo kéo mua thêm các gói phụ kiện, bảo hành kèm với sản phẩm. Tuy nhiên, việc ép buộc người dùng là trường hợp hiếm gặp. Điều này xảy ra khi nguồn cung sản phẩm khan hiếm, nhu cầu tăng cao như iPhone 14 hiện nay.
Nhân viên bán hàng chịu áp lực doanh thu bán phụ kiện đi kèm với iPhone. Ảnh: Hải Dương.
Đại lý cho biết việc bán phụ kiện đi kèm là nguồn thu rất lớn với các hệ thống tầm trung, để bù đắp mức chi phí cho các chương trình bán iPhone.
“Doanh thu từ bán phụ kiện đóng vai trò rất quan trọng, chiếm một phần không hề nhỏ trong lợi nhuận của đại lý. Không phải iPhone, chính phụ kiện mới quyết định lời lỗ của doanh nghiệp trong cả năm”, đại diện một hệ thống bán hàng ủy quyền Apple (yêu cầu giấu tên) nói với Zing.
Bên cạnh đó, hiện tại trong hộp iPhone, Apple loại bỏ hầu hết phụ kiện đi kèm, buộc người dùng phải mua thêm. Trong hộp một chiếc điện thoại Android tầm trung có thể gồm cả ốp lưng, sạc nhanh, tai nghe và được dán sẵn màn hình. Tuy nhiên, toàn bộ những sản phẩm này đều không được Táo khuyết trang bị cho iPhone.