Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh.
Hiện đơn vị này chỉ còn vận hành duy nhất trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Saigontourist Plaza ở quận 1, TP.HCM. Theo quy định tại Việt Nam, Parkson Việt Nam phải chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn quá trình phá sản và không liên quan tới công ty mẹ hay công ty con trong hệ thống.
Vẫn hoạt động bình thường
Parkson Saigontourist Plaza được Parkson thuê lại từ Tổng công ty Saigontourist năm 2005 với hợp đồng 25 năm. Như vậy, đến năm 2030, hợp đồng giữa 2 bên mới kết thúc.
Hiện, TTTM này thu hút khách hàng bởi sự hiện diện của 2 thương hiệu lớn là Uniqlo và Muji. Ngoài ra, nơi đây còn có các thương hiệu như CGV, Kohnan Japan, Versace, Cross, Pucini, Ohui, Joven...
Nhiều khách hàng thắc mắc những nhà bán lẻ này sẽ về đâu trong bối cảnh khó khăn hiện tại của Parkson.
Theo ghi nhận của Zing, đến sáng 10/5, mọi hoạt động kinh doanh của tất cả thương hiệu bên trong TTTM Parkson Saigontourist Plaza vẫn diễn ra như thường lệ. Khách hàng chủ yếu tập trung mua sắm tại Muji và Uniqlo. Một nhân viên tại đây cho biết họ vẫn làm việc bình thường và không nhận được thông báo đặc biệt nào từ phía công ty.
Trả lời Zing về vấn đề này, đại diện Uniqlo khẳng định cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, Muji chưa đưa ra phản hồi khi được liên hệ.
Uniqlo và Muji đều chọn Parkson Saigontourist Plaza để mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2019 và 2020 nhờ vị thế đắc địa ở khu vực trung tâm TP.HCM. Có thể nói, đây là nơi cả 2 thương hiệu này đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình chinh phục khách hàng Việt. Việc phải rời đi, nếu có, sẽ mang đến nhiều tiếc nuối.
"Việc ghé Muji Parkson vào sáng thứ 7 đã trở thành thói quen của tôi. Sau khi đi cà phê, tôi sẽ ghé nơi này đi dạo, mua sắm đồ dùng. Dù Muji đã có ở TP Thủ Đức và quận 7 nhưng tôi vẫn thích cửa hàng tại Parkson vì vị trí thuận tiện cho việc đi lại", chị Bích Phương (32 tuổi, quận Bình Thạnh) nói.
Tương tự, anh Minh Tâm (quận 3) cũng có thói quen mua sắm ở cửa hàng Uniqlo Parkson suốt 2 năm nay. "Nếu cửa hàng chuyển đi chỗ khác, tôi vẫn sẽ ủng hộ nhưng không chắc có tiện ghé đến thường xuyên không", anh Tâm nói.
Với CGV, đơn vị này cho biết vẫn đang hoạt động bình thường và chờ các thông tin từ phía Parkson.
Vấn đề 3 bên
Nói về mối quan hệ giữa Parkson với các doanh nghiệp đang thuê mặt bằng tại Parkson Saigontourist Plaza, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê bán lẻ của Savills TP.HCM, cho biết Parkson là đơn vị cho thuê sỉ (master lease), thường thuê lại mặt bằng từ chủ đầu tư (Saigontourist) và cho các thương hiệu thuê lại (sub-lease).
Theo thông lệ trong cho thuê mặt bằng bán lẻ, nếu bên thuê phá sản thì hợp đồng thuê sẽ chấm dứt. Khi đó, chủ đầu tư sẽ lấy lại diện tích thuê và tịch thu các tài sản bên trong để bán siết nợ lấy lại tiền cho thuê hoặc các khoản nợ còn thiếu. Bên thuê sỉ phải giải quyết tiếp các hợp đồng thuê còn hiệu lực với các khách thuê nhỏ.
Trong trường hợp chủ nhà và Parkson vẫn muốn giữ các khách thuê nhỏ hoạt động bình thường trong TTTM, họ cần ký phụ lục hợp đồng chuyển giao toàn bộ hợp đồng thuê ký giữa các thương hiệu này với Parkson thành ký trực tiếp với chủ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc thuê mặt bằng không còn thông qua đơn vị trung gian là Parkson.
Để giải quyết được những vấn đề này, theo bà Quyên, cần có một hợp đồng chuyển giao 3 bên. Nếu các bên có thể sắp xếp một cách thuận lợi thì TTTM về cơ bản vẫn sẽ hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà cũng đặt câu hỏi về khoản tiền cọc mà Parkson đang giữ của các khách thuê, rằng việc Parkson tuyên bố phá sản có ảnh hưởng đến khoản tiền này hay không. Bởi vì, đơn vị này cần chuyển giao cọc lại cho chủ đầu tư để chủ đầu tư và các thương hiệu tiếp tục hợp đồng thuê.
Đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng nói thêm rằng có trường hợp Saigontourist sẽ tìm kiếm một đối tác cho thuê sỉ khác để tiếp nhận lại các hợp đồng này.
Trong trường hợp Saigontourist và Parkson Việt Nam không tìm được tiếng nói chung, các thương hiệu sẽ gặp khó khăn khi phải đàm phán cùng các bên để đảm bảo quyền lợi.
Thay đổi để thích nghi
Trên thực tế, bà Quyên đánh giá rằng mô hình kinh doanh của Parkson hay còn gọi là department store (cửa hàng bách hóa tổng hợp) đã thể hiện sự thiếu hiệu quả tại thị trường Việt Nam từ cách đây gần 10 năm.
Đến nay, các xu hướng phong cách sống mới, sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm khách hàng thế hệ Gen Z, và bối cảnh lạm phát hậu Covid-19 đang tác động không nhỏ đến bất động sản bán lẻ truyền thống.
Ở góc độ mặt bằng bán lẻ cho thuê, báo cáo thị trường quý I của Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho thấy công suất thuê toàn thị trường đạt 92%, ổn định theo quý và giảm nhẹ 0,4 điểm phần trăm theo năm.
Một trong những xu hướng đáng chú ý là khách thuê tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ngoài trung tâm. Theo phân tích của Savills, nguyên nhân chính là lượng khách qua lại thấp tại những mặt bằng có vị trí thuê không tốt. Cùng với đó là chính sách marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Theo thống kê, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Dự kiến trong năm nay, 6 dự án mới sẽ cung cấp tổng diện tích cho thuê 124.000 m2 ra thị trường. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng của nhiều dự án mới bị đình trệ và sự thận trọng ngày càng tăng của khách thuê có thể khiến các thương hiệu mới trì hoãn kế hoạch gia nhập thị trường trong thời gian tới.
Vị chuyên gia tại Savills đánh giá các nhà bán lẻ và chủ đầu tư TTTM ở Việt Nam đang trong giai đoạn thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ này và xây dựng những kế hoạch kinh doanh dài hạn hơn.
“Quyết định này của Parkson không phải là điều quá bất ngờ mà phản ánh đúng tình hình của thị trường bán lẻ hiện tại. Cụ thể, các dự án lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê đến các diện tích lớn. Thay vào đó, họ ưu tiên đến sự đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng”, bà Quyên phân tích.
Quyết định phá sản của Parkson không phải là điều quá bất ngờ mà phản ánh đúng tình hình của thị trường bán lẻ hiện tại.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khẳng định những thói quen mua sắm mới ngày càng tác động rõ rệt đến hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu, điều này khiến các TTTM phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, lên kế hoạch 3-5 năm để tiếp tục cải tiến mặt bằng hiện hữu, đón chào những thương hiệu quốc tế mới gia nhập vào Việt Nam.
Khẳng định về xu hướng này, bà Marie Hickey, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bất động sản thương mại Savills UK, cũng khẳng định việc các không gian bán lẻ đang chuyển mình từ cửa hàng truyền thống sang một không gian để khách hàng trải nghiệm nhiều hơn. Trong bối cảnh số hóa như hiện nay, vai trò của các cửa hàng vật lý đang được những thương hiệu định vị lại thành điểm đến kết hợp giữa mua sắm, thư giãn và giải trí.