Mặc dù ra mắt những sản phẩm ấn tượng như Apple Silicon Mac Pro và the Apple Vision Pro, sự kiện WWDC 2023 lại thiếu vắng từ khóa “trí tuệ nhân tạo” (AI). Xuyên suốt sự kiện, Táo khuyết không hề nhắc đến cụm từ trí tuệ nhân tạo, khác hoàn toàn so với các đối thủ Microsoft hay Google đang đặt trọng tâm phát triển vào công nghệ AI tạo sinh.
Từ khóa còn quan trọng hơn AI
Tuy AI là từ khóa được rất nhiều người quan tâm, điều Apple muốn nhấn mạnh tại sự kiện của mình là công nghệ máy học (machine learning). Đơn cử như khi demo iOS 17, Phó chủ tịch mảng kỹ thuật phần mềm Craig Federighi đã nhắc đến máy học để cải thiện tính năng tự động sửa lỗi và ra lệnh bằng giọng nói.
“Tính năng tự động sửa lỗi hoạt động nhờ công nghệ máy học có sẵn trên thiết bị và chúng tôi sẽ nâng cấp qua từng năm. Bàn phím điện thoại nay đã được cải tiến lên một mô hình ngôn ngữ transformer, có khả năng đoán từ siêu việt, giúp khả năng tự động sửa chính xác hơn bao giờ hết”, ông khẳng định.
Theo Ars Technica, cụm từ “transformer” được Apple nhắc đến là mô hình AI sử dụng kiến trúc transformer - nền tảng đằng sau rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo nổi tiếng như DALL-E hay ChatGPT. Là một mô hình học sâu được giới thiệu năm 2017, Transformer được dùng chủ yếu ở lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và thị giác máy tính (CV).
Nó có khả năng xử lý nhiều nguồn thông tin cùng một lúc, giúp tăng hiệu suất làm việc và thực hiện các tác vụ xử lý ngôn ngữ phức tạp như dịch thuật, tóm tắt và trả lời câu hỏi.
Tại sự kiện, Apple cho biết đã tích hợp mô hình transformer mới vào iOS 17 để tăng độ chính xác của tính năng tự động sửa lỗi, không chỉ sửa từ mà còn có thể sửa cả câu. Mô hình cũng có thể học văn phong của người dùng để đưa ra đề xuất phù hợp.
Mục đích thật sự của Apple
Theo Ars Technica, tích hợp sẵn các công nghệ AI này vào thiết bị rất đơn giản với Apple bởi vi xử lý Apple Silicon được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo Neural Engine tương thích tốt với các ứng dụng của máy học. Hãng cho biết khả năng ra lệnh bằng giọng nói đã được bổ sung mô hình nhận diện giọng nói dựa trên kiến trúc transformer, cải tiến Neural Engine để tăng độ chính xác.
Trong sự kiện WWDC 2023, Apple cũng nhiều lần nhắc đến từ khóa “máy học” như khi giới thiệu màn hình khóa mới của iPad, tính năng PDF của iPadOS, AirPods Adaptive Audio và Smart Stack trên Apple Watch.
Apple còn ra mắt một ứng dụng mới có tên Journal, cho phép người dùng ghi chép nhật ký bằng chữ viết, âm thanh, sau đó khóa và mã hóa trên iPhone. Tính năng này cũng có sự can thiệp của AI nhưng lại không được hãng nhắc đến.
“Sử dụng công nghệ máy học, iPhone có thể tạo ra những đề xuất cá nhân phù hợp để gợi ý người dùng. Những đề xuất này dựa trên thông tin có trên iPhone như ảnh chụp, địa điểm, âm nhạc… của bạn”, Apple nói tại sự kiện.
Đến phần demo bộ kính Apple Vision Pro, Táo khuyết tiết lộ rằng những hình ảnh 3D bản sao xuất hiện trước mắt người dùng được mô phỏng bằng cách quét khuôn mặt. “Dựa trên công nghệ máy học mới nhất kết hợp với các cảm biến hình ảnh bên trong, hệ thống sẽ sử dụng mạng lưới thần kinh mã hóa và giải mã để tạo ra một bản sao kỹ thuật số của người dùng”, hãng công nghệ khẳng định.
Không chỉ vậy, con chip Apple Silicon M2 Ultra - hỗ trợ tối đa 192 GB bộ nhớ hợp nhất (Unified Memory) - vừa được giới thiệu tại sự kiện cũng gây ấn tượng. Nó vốn được thiết kế để tương thích với công nghệ máy học. Hãng công nghệ cho biết sức mạnh của con chip rất phù hợp để “huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn transformer” mà những GPU hiện tại không làm được vì không đủ bộ nhớ.
Không ít chuyên gia AI tỏ ra hào hứng với nâng cấp này của Apple. Nhà nghiên cứu hệ thống máy tính Perry E. Metzger viết trên Twitter cá nhân: “Apple Silicon sử dụng cấu trúc bộ nhớ hợp nhất cho thấy từ nay các máy tính Mac sẽ là những cỗ máy tuyệt vời để chạy các mô hình AI lớn và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Có rất ít nhiều hệ thống có thể hỗ trợ 129 GB bộ nhớ RAM cho GPU như chip M2 Ultra”.