Một buổi sáng năm 1990 tại Mỹ, một tờ báo đã công bố mức lương của tất cả nhân sự trong Liên đoàn Khúc côn cầu, tạo ra một "cú sốc bất ngờ" cho nhiều người và kéo theo chủ đề mới thu hút các nhà kinh tế. Chủ đề đó là "trả lương minh bạch".
Trước năm 1990, hầu hết người lao động tại Mỹ đều không biết đồng nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền. Những động viên khúc côn cầu là trường hợp hiếm hoi bị công khai mức thu nhập. Và giờ đây, tình huống tương tự đang trên bờ vực xảy ra với người lao động thuộc nhiều ngành nghề tại quốc gia này, theo Wall Street Journal.
Tiết lộ tiền lương ảnh hưởng hiệu suất công việc?
Ông James Flynn, người đang học tiến sĩ tại Đại học Colorado (Mỹ), đã thực hiện một bài báo về việc tuyên bố thu nhập của Liên đoàn Khúc côn cầu 30 năm trước. Bài báo nêu nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự minh bạch về tiền lương có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên. Điều này cũng tác động đến khả năng làm việc của họ.
Khi người lao động phát hiện họ được trả lương thấp hơn đồng nghiệp, họ có xu hướng cố gắng làm việc theo một cách khác, chứ không lười biếng như nhiều người vẫn nghĩ.
Lấy ví dụ về các cầu thủ khúc côn cầu, để đáp trả cho những gì được cho là trả lương không công bằng, những cầu thủ này đã chuyển từ vị trí phòng thủ sang tấn công. Vì họ cho rằng những cầu thủ giỏi tấn công sẽ nhận được mức lương cao hơn khi đàm phán hợp đồng.
Những cầu thủ khúc côn cầu được trả lương thấp bắt đầu theo đuổi lối chơi cá nhân để chạy theo đồng tiền. Họ ghi được nhiều bàn thắng hơn, nhưng thành tích toàn đội lại giảm sút đáng kể.
Trường hợp của các cầu thủ khúc côn cầu cũng giống như các nhân viên bán hàng được trả tiền để thực hiện một nhiệm vụ ngắn hạn thay vì xây dựng mối quan hệ lâu dài, hoặc tương tự một giáo viên nhận được thêm tiền để cải thiện điểm kiểm tra thay vì truyền cảm hứng cho học sinh.
Khi người lao động cảm thấy bị đánh giá thấp, họ thường ưu tiên những công việc “hào nhoáng”, dễ tính toán hơn. Họ sẵn sàng làm những điều đó dù biết hành động của mình có nguy cơ khiến công ty phải trả giá.
Mọi người chỉ muốn được trả lương xứng đáng
Mỹ đang ở gần những ngã rẽ trong "cuộc chiến minh bạch" tiền lương. Cuộc chiến này có thể sẽ mang lại những thay đổi lớn cho các công ty hàng đầu ở Mỹ, từ Phố Wall đến Thung lũng Silicon.
Một số tiểu bang đã có luật công khai thu nhập, yêu cầu các doanh nghiệp phải liệt kê mức lương của nhân viên trên các bài đăng tuyển dụng. New York dự kiến ban hành đạo luật vào tháng 11, trong khi đó California đã trình dự luật lên thống đốc vào cuối tháng 9 vừa qua. Chính sách nhằm thu hẹp chênh lệch mức lương giữa nam và nữ.
Nói về tiền bạc ở nơi làm việc từng là điều cấm kỵ, nhưng người lao động trẻ lại cởi mở hơn về vấn đề này. Họ thoải mái thảo luận về số tiền họ kiếm được. Điều này khiến những đồng nghiệp lớn tuổi cảm thấy giống như một hiện tượng lạ.
Mỹ không phải quốc gia duy nhất lên kế hoạch công khai tiền lương của người lao động. Tại Na Uy, vào năm 2001, toàn bộ hồ sơ thuế của công dân được công khai và có thể truy cập trực tuyến bất cứ lúc nào. Nhiều người đã không thể cưỡng lại được việc “dòm ngó” tình hình tài chính của những người quen biết.
Nhà kinh tế học Ricardo Perez-Truglia tại trường Kinh doanh thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết vào một số thời điểm, người Na Uy quan tâm tìm hiểu thu nhập của người khác hơn cả việc xem video trên YouTube.
Theo ông Ricardo, quan tâm tiền lương của người khác là một hành động không lành mạnh. Chính cái được gọi là tính minh bạch đã mở rộng khoảng cách hạnh phúc giữa người giàu và người nghèo tại đất nước này.
Những người làm việc tại Đại học California, Bekerley cũng có phản ứng tương tự khi họ biết số tiền đồng nghiệp nhận được tại nơi làm việc. Việc công khai tiền lương có tác động tiêu cực đến những người được trả lương thấp, nhưng lại không ảnh hưởng gì đến những người được trả lương cao.
Theo một nghiên cứu do các nhà kinh tế học thực hiện, dẫn đầu bởi giáo sư David Card tại Đại học California, Berkeley, những người biết được họ nhận lương thấp hơn đồng nghiệp thường có mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn. Khả năng nhảy việc ở những đối tượng này cũng cao hơn nhóm người lao động khác.
Trở về với vụ việc năm 1990, khi phân tích dữ liệu, ông James Flynn phát hiện một nghịch lý. Những cầu thủ được trả lương thấp bắt đầu có những thành tích cá nhân tốt hơn sau khi Liên đoàn Khúc côn cầu minh bạch về việc trả lương. Tuy nhiên, thành tích thi đấu nhóm lại giảm sút, họ không thể giúp cả đội giành chiến thắng trong những trận thi đấu.
Nói cách khác, những cầu thủ này đã thay đổi lối chơi để khiến đồng đội trở nên mất uy tín. Họ không thể cưỡng lại việc trở thành một phiên bản mới trong công việc để gây ấn tượng với lãnh đạo. Mục đích của họ là tạo ra mọi giá trị để được ông chủ đánh giá cao và trả mức lương xứng đáng hơn.
Tuy nhiên, việc công khai tiền lương cũng giúp việc tìm kiếm nhân tài khúc côn cầu trở nên hiệu quả hơn. Sau sự kiện trả lương minh bạch năm 1990, các công ty đã đưa ra chiến lược tối ưu là trả lương xứng đáng cho nhân viên. Cũng sau mùa giải năm đó, tiền lương và sự thành công của các đội bóng đã có sự liên kết chặt chẽ.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra một bài học là hầu hết người lao động chỉ muốn được đánh giá xứng đáng với những gì họ bỏ ra, bất kể họ làm việc ở đâu, kiếm được bao nhiêu và có những ai biết họ kiếm được bao nhiêu tiền, Wall Street Journal kết luận.