Mỗi khi Quỳnh Hương (21 tuổi) đăng bài trên LinkedIn, phần bình luận luôn xuất hiện những lời khen ngợi từ Bảo Trân (25 tuổi). “Chúc mừng Hương bắt đầu công việc mới với vị trí thực tập sinh truyền thông quốc tế nhé”; “Chúc mừng Hương nhé”; “Cảm ơn chị Jenny”. Hai người bạn cùng là fan Kpop giờ đây đang nói chuyện khách sáo và chuyên nghiệp hơn trên LinkedIn để giúp nhau "build profile" (xây dựng thương hiệu cá nhân - PV).
Ba năm sử dụng LinkedIn, Bảo Trân hiểu việc bình luận trong các bài đăng là cơ hội tốt để mở rộng kết nối. Do đó, Trân thường bình luận vào bài đăng của Hương - người mới sử dụng LinkedIn - để giúp bạn “đẩy” bài đăng và được người khác chú ý nhiều hơn.
Tuy nhiên, công bố gần đây của LinkedIn đã hé lộ việc nền tảng này đã sử dụng các thuật toán đề xuất kết nối khác nhau dành cho người dùng trong một cuộc thử nghiệm dài hơi, làm dấy lên quan ngại về việc cơ hội mỗi người nhận được sẽ không đồng đều.
Peer pressure ngập tràn LinkedIn
Quỳnh Hương (sinh viên năm 3 ngành Quản trị sự kiện, Đại học Hoa Sen) cho biết cô bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu cách sử dụng LinkedIn từ khi chuẩn bị đi thực tập. Do mới dùng, tài khoản chỉ Hương chỉ có khoảng 50 kết nối, phần lớn là những người bạn cùng trường hoặc bạn bè quen biết ngoài đời.
Quỳnh Hương tự nhận bản thân là một người dễ gặp peer pressure (áp lực đồng trang lứa), và cô lên LinkedIn để tìm chính áp lực đó. Cứ khoảng 3-4 ngày, cô lại dành 15-20 phút vào LinkedIn để dạo xem hồ sơ của những bạn bằng tuổi, tự tạo áp lực lẫn động lực cho mình. Hương nghĩ chuyện này khá độc hại nhưng mang lại hiệu quả cao.
Có 3 kiểu người trên LinkedIn dễ khiến cô cảm thấy áp lực. Thứ nhất là những người quen biết rộng, có nhiều mối quan hệ thân thiết với những người làm việc trong lĩnh vực đó. Hương nhận thấy những người này khi tìm việc làm sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Kiểu người thứ hai là những người có thành tích học tập nổi bật, sở hữu nhiều bằng cấp, chứng chỉ được các nhà tuyển dụng yêu cầu. Kiểu người còn lại là những người tham gia nhiều sự kiện khác nhau, trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến”.
Không chỉ tự tạo peer pressure, Quỳnh Hương còn học cách xây dựng hồ sơ từ những người bạn bằng tuổi trên LinkedIn. Cô cũng dành thời gian để nghiên cứu các sự kiện, chứng chỉ, cuộc thi các bạn tham gia để xem xét liệu bản thân có thể thử sức hay không.
Cuộc đua kết nối
Trong khi đó, Bảo Trân lên LinkedIn tìm kết nối. Bắt đầu làm việc cho phòng đối ngoại của một tổ chức cung cấp chương trình Công nghệ thông tin miễn phí cho học sinh khó khăn từ năm 2019, Trân bắt đầu học cách dùng LinkedIn để mở rộng kết nối với các chuyên viên thu hút nhân tài, HR của những công ty công nghệ trên cả nước.
Trân hiểu rằng việc like, thả cảm xúc trên LinkedIn không mang lại giá trị vì nó khó gây ấn tượng với người khác. Việc đưa ra những bình luận có giá trị thì sẽ thu hút chủ bài đăng và cả những người khác trong vòng tròn kết nối của họ. Dù định hướng vậy, cô vẫn ngại bình luận, chỉ thích thả cảm xúc trong các bài đăng.
Hiện tại, hồ sơ của Bảo Trân có khoảng 500 kết nối. Tận dụng điều này, cô thường chia sẻ những bài viết về các chương trình, hoạt động của tổ chức. Cô nhận thấy những bài đăng mang tính thông tin sẽ ít tương tác hơn những bài đăng có hình ảnh, kèm theo câu chuyện liên quan hoạt động của con người.
Bảo Trân chia sẻ các bài đăng liên quan công việc trên LinkedIn. Ảnh: NVCC.
Do đó, những bài đăng gần đây của Trân thường xoay quanh hoạt động của tổ chức, những thành tựu sinh viên đạt được hoặc những chương trình podcast tự sản xuất về sinh viên, gen Z.
Dù bài đăng chưa thu hút được hàng trăm, hàng nghìn lượt tương tác như những hồ sơ “khủng” trên LinkedIn, Trân vẫn cảm thấy hài lòng vì bài đăng của mình có thể tiếp cận với những người quan tâm cùng lĩnh vực.
Điều khiến Quỳnh Hương cảm thấy thích thú khi sử dụng LinkedIn là tính năng thông báo “Ai đã xem hồ sơ của bạn”. Một lần, sau khi xem hồ sơ của một người có kinh nghiệm làm việc ở resort nổi tiếng, Hương bất ngờ được người đó chủ động kết nối và gửi tin nhắn cảm ơn.
“Sau khi kết nối, bọn mình cũng trao đổi với nhau vài chủ đề liên quan công việc. Mình thấy đây là một cách tương tác hay ho trên LinkedIn, người dùng có thể mở rộng vòng tròn kết nối tốt hơn”, Hương nói.
Cả Trân và Hương đều nhận được một số lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng thông qua LinkedIn. Hương được hai công ty liên quan khởi nghiệp, tài chính gửi offer, trong khi Trân nhận được khoảng 3-4 offer cho vị trí nhân sự, truyền thông nội bộ, branding... từ các công ty công nghệ.
Hương từ chối do công việc không liên quan ngành học, Trân lại không nhận lời mời vì muốn gắn bó với nơi làm việc hiện tại.
Lê Tuấn Anh - chuyên viên tư vấn nhân sự, quản lý mảng Academic & Career tại một trang web tuyển dụng - chia sẻ rằng có nhiều cách để tạo thêm kết nối thông qua LinkedIn, sau khi người dùng đã có một profile họ tạm hài lòng. Thông qua các từ khóa, người dùng có thể tìm kiếm và tham gia vào các nhóm nghề nghiệp ở cả Việt Nam và quốc tế.
"Bạn cũng có thể tự tạo luôn ra một nhóm và mời những người đang làm cùng nghề tham gia nếu nghề của bạn không có nhóm", Tuấn Anh gợi ý.
Không chỉ có thế, người dùng nên mời một người đồng nghiệp, nhân viên, sếp hoặc thầy cô giáo viết cho mình vài lời ở phần Recommendations (Giới thiệu).
"Bạn có thể nhờ người giới thiệu viết nhấn mạnh về những điều mạnh hoặc kỹ năng mà bạn muốn. Thực tế, có nhiều người tự viết sau đó nhờ bạn bè đánh giá trên LinkedIn cũng hoàn toàn là bình thường", anh Tuấn Anh cho hay.
Ngoài ra, anh Tuấn Anh cho biết việc gửi Cold Message (tin nhắn cho người lạ - PV) trên LinkedIn là hoàn toàn bình thường, vì đó là cách tạo kết nối trên mạng xã hội này.
"Có 2 mẹo nhỏ khi các bạn gửi tin nhắn cho một người khác. Một là nếu nhờ được một người khác giới thiệu trước thì sẽ tăng uy tín hơn. Hai là khi gửi tin nhắn, nên viết rõ ràng, thể hiện rằng bạn đã theo dõi họ lâu - qua các thông tin bạn đọc và tìm hiểu về họ, ghi rõ mục đích khi gửi tin nhắn và mong muốn của bạn khi gửi tin nhắn", anh nói.
Cuộc thí nghiệm lớn về "kết nối yếu"
Tuy nhiên, một thông báo gần đây của LinkedIn đã làm dấy lên quan ngại về việc cơ hội người dùng nhận được trên LinkedIn sẽ không ngang bằng nhau. Tháng 9 vừa qua, LinkedIn thông báo rằng đã âm thầm chạy thử nghiệm với hơn 20 triệu người dùng trong 5 năm (2015 - 2019) bằng cách thay đổi ngẫu nhiên tỷ lệ kết nối mạnh và kết nối yếu.
Cụ thể, LinkedIn sẽ thay đổi tỷ trọng xuất hiện của các kết nối "mạnh" và "yếu" trong phần "People You Might Know" (những người bạn có thể biết - PV). LinkedIn sẽ thử nghiệm thuật toán khác nhau với người dùng. Một số thuật toán cho phép người dùng có nhiều kết nối hơn với những người "kết nối yếu", một số người dùng sẽ tiếp cận nhiều hơn với các kết nối này.
Mục đích của nghiên cứu này là xem xét về sức mạnh của "kết nối yếu". Đây là một giả thuyết lâu năm trong ngành khoa học xã hội, cho rằng những người thân sơ có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn đến chúng ta hơn bạn bè thân thiết.
Kết quả nghiên cứu của LinkedIn chỉ ra rằng những người nhận được nhiều đề xuất với các "kết nối yếu" thường xin được nhiều công việc hơn, phù hợp với giả thuyết về "kết nối yếu".
New York Times nhận định thí nghiệm của LinkedIn hé lộ cho chúng ta việc một thay đổi nhỏ trong thuật toán và các thí nghiệm của các nền tảng phổ biến như LinkedIn có thể tạo ra hậu quả như thế nào đối với tương lai sự nghiệp của một người dùng.
Các nhà nghiên cứu độc lập nhận thấy việc tiến hành những thử nghiệm quy mô lớn, dài hơi có thể ảnh hưởng đến triển vọng tìm kiếm việc làm của người dùng, theo cách họ không thể nhìn thấy. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của công nghệ và việc giám sát nghiên cứu.
LinkedIn nói rằng trong suốt cuộc thử nghiệm, công ty vẫn tuân thủ thỏa thuận người dùng, chính sách bảo mật và tùy chọn của người dùng. Khi được hỏi về việc công ty đã xem xét như thế nào về những hậu quả tiềm tàng của thử nghiệm đối với tình trạng kinh tế và cơ hội việc của người dùng, LinkedIn né tránh trả lời và chỉ nói rằng nghiên cứu không mang lại lợi ích thiếu công bằng cho người dùng.