Luckin Coffee, chuỗi cửa hiệu cà phê Trung Quốc gây dựng lại kinh doanh sau một vụ bê bối gian lận cách đây 4 năm, đạt doanh thu vượt xa đối thủ Starbucks tại thị trường quê nhà và cũng là thị trường quan trọng nhất của công ty này.
Theo báo cáo tài chính được Luckin công bố mới đây, công ty đạt doanh thu ròng 24,9 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,5 tỷ USD, trong năm 2023, tăng 87% so với năm 2022. Tuy Luckin không đưa ra con số doanh thu cho từng thị trường cụ thể, nhưng phần lớn là doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Luckin chỉ có 30 cửa hiệu ở Singapore, trong đó cửa hiệu đầu tiên khai trương vào tháng 3 năm ngoái.
Tốc độ mở rộng ấn tượng của Luckin
Trong khi đó, Starbucks đạt tổng doanh thu 3,05 tỷ USD tại Trung Quốc trong tài khoá 2023 kết thúc vào ngày 1/10 - theo ước tính của hãng tin CNN dựa trên các báo cáo tài chính hàng quý của hãng. Hiện Starbucks chưa công bố số liệu doanh thu cả năm tại thị trường Trung Quốc.
Cả năm 2023, lãi ròng của Luckin tại Trung Quốc đạt 2,85 tỷ nhân dân tệ, tương đương 396 triệu USD, so với mức lãi 488 triệu nhân dân tệ, tương đương 68 triệu USD, của năm 2022. Tự xưng là chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất ở Trung Quốc, Luckin cho biết đã vượt qua Starbucks về số cửa hiệu tại Trung Quốc đại lục vào năm 2019.
Doanh thu của Luckin tăng vọt trong năm 2023 một phần là do sự mở rộng nhanh chóng của công ty. Đến cuối năm 2023, chuỗi này có 16.218 cửa hiệu ở Trung Quốc, gần gấp đôi con số hơn 8.200 cửa hiệu vào năm 2022. Ngược lại, Starbucks có 6.975 cửa hàng ở Trung Quốc tính đến cuối tháng 1, theo kết quả quý mới nhất của công ty được công bố đầu năm nay. Con số cửa hiệu này đã tăng 14,5% so với một năm trước đó.
Một số cửa hiệu của Luckin là do công ty tự vận hành, số còn lại do đối tác vận hành. Các cửa hiệu của Starbucks ở Trung Quốc hoàn toàn thuộc sở hữu của công ty. Trên toàn cầu, Starbucks vẫn là chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất với 38.586 cửa hàng trên toàn thế giới, với Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất.
Trung Quốc, quốc gia vốn có truyền thống uống trà, đã trở thành một cường quốc tiêu thụ cà phê toàn cầu, bất chấp phải đương đầu nhiều khó khăn kinh tế trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) năm ngoái cho thấy tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc tăng 15% trong thời gian 1 năm kết thúc vào tháng 9. Phần lớn nhu cầu cà phê ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Daxue Consulting, một công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc, có tới 36% người tiêu dùng cà phê ở nước này nằm trong độ tuổi từ 25 đến 34 và 30% ở độ tuổi từ 35 đến 44.
Theo một báo cáo tháng 12/2023 của trang World Coffee Portal, số lượng cửa hàng cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng 58% trong 12 tháng qua, đạt con số 49.691 cửa hàng. Điều đó đã giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành thị trường quán cà phê có thương hiệu lớn nhất thế giới.
Luckin thừa nhận đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ông Jinyi Guo, Chủ tịch kiêm CEO của Luckin Coffee, cho biết khi công bố báo cáo tài chính: “Chúng tôi vẫn tập trung vào chiến lược định giá sản phẩm và mở rộng hoạt động để duy trì tốc độ tăng trưởng và thị phần của mình”.
Cuộc hồi sinh ngoạn mục sau bê bối
Được thành lập vào năm 2017 và có sự hậu thuẫn từ công ty đầu tư cổ phần tư nhân Trung Quốc Centurium Capital, Luckin nhắm đến đối tượng khách hàng chủ đạo giới trẻ. Các cửa hiệu Luckin chủ yếu là các gian hàng mang đi và thanh toán không dùng tiền mặt. Đồ uống Luckin có giá rẻ hơn khoảng 30% so với đồ uống của Starbucks.
Các cửa hiệu tối giản của Luckin thường chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản nhất, và chính chiến lược này cho phép công ty mở rộng nhanh chóng với chi phí thấp hơn. Chưa kể, Luckin cũng yêu cầu khách hàng sử dụng điện thoại di động để đặt hàng, cho phép công ty thu thập lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ.
Theo dữ liệu của Luckin, đến năm 2019, công ty đã vượt qua Starbucks về số lượng cửa hiệu ở Trung Quốc khi sở hữu hơn 4.500 điểm. Cũng trong năm đó, Luckin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York, nơi cổ phiếu Luckin nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các nhà đầu tư tin rằng công ty này có thể đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Starbucks.
Nhưng công ty buộc phải lùi lại chỉ 1 năm sau đó sau khi thừa nhận đã công bố những con số thiếu trung thực về lợi nhuận. Luckin cuối cùng đã bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq, đồng thời Chủ tịch và của công ty đều bị sa thải. Ngoài ra, công ty cũng bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phạt 180 triệu USD.
Sau đó, Luckin cam kết sẽ xây dựng lại hoạt động kinh doanh, và Centurium Capital - nhà đầu tư ban đầu của Luckin - đã trở thành cổ đông kiểm soát của công ty.
Mặc dù bị vượt qua cả về số lượng cửa hàng và doanh số bán hàng, Starbucks vẫn dẫn trước Luckin về mặt lợi nhuận. Lợi nhuận của Luckin đã bị ảnh hưởng do công ty mở rộng quá nhanh chóng. Để cạnh tranh, Starbucks đã công bố hợp tác với các hãng thương mại điện tử Alibaba và Meituan lần lượt vào năm 2018 và 2022, mở rộng phạm vi tiếp cận trực tuyến tới người tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi Luckin tạo được tiếng vang vào năm ngoái nhờ sự hợp tác với thương hiệu rượu nổi tiếng của Trung Quốc Mao Đài thì Starbucks cũng đang thu hút sự chú ý với những đồ uống mới đầy sáng tạo.
Starbucks đã trình làng loại cà phê có hương vị thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vào đầu tháng này, nhằm đáp ứng thị hiếu và truyền thống địa phương. Có giá 9,45 USD/suất, đồ uống này kết hợp nước sốt hương vị thịt lợn hầm Đông Pha với cà phê espresso và sữa hấp, có thêm nước sốt thịt lợn và thịt thăn lợn để trang trí.