Ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên toàn cầu đã tăng lãi suất tổng cộng gần 12 điểm phần trăm trong tháng 7 vừa qua, đẩy mạnh cuộc chiến chống lại tốc độ lạm phát cao đang cao nhất nhiều thập kỷ. Gây ngạc nhiên lớn hơn cả là Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) với bước nhảy lãi suất nằm ngoài dự báo.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, trong số 10 nền kinh tế có đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới, có 5 ngân hàng trung ương nâng lãi suất trong tháng 7, với mức tăng tổng cộng 3,25 điểm phần trăm. Nếu tính từ đầu năm, ngân hàng trung ương của nhóm 10 nền kinh tế này đã nâng lãi suất tổng cộng 11 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, tổng mức tăng lãi suất của nhóm 10 nền kinh tế này trong tháng 7 ít hơn trong tháng trước đó. Trong tháng 6, có 7 ngân hàng trong nhóm này nâng lãi suất, với tổng mức tăng 3,5 điểm phần trăm.
“Chúng ta đã đạt tới đỉnh điểm về sự cứng rắn của các ngân hàng trung ương”, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư trái phiếu Christian Kopf của Union Investment nói với Reuters.
“Tốc độ tăng của lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính bất ngờ, và vẫn còn đó những bấp bênh trong triển vọng lạm phát. Triển vọng lạm phát đang nghiêng nhiều về tăng”.
Ông Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách vấn đề thị trường tiền tệ và vốn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
“Các ngân hàng trung ương đã thể hiện rõ rằng họ sẽ không ‘quá tay’ trong việc nâng lãi suất”, ông Kopf nhận định, và nói thêm rằng đó cũng chính là thông điệp được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) truyền tải.
Tuy nhiên, tháng 7 ghi nhận một số động thái tăng lãi suất gây sửng sốt. Cứng rắn nhất là Canada với mức tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm, trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất với bước nhảy này trong chu kỳ hiện tại. Lãi suất cơ bản của Canada sau lần nâng này tăng lên mức 1,5%.
New Zealand có đợt tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp và phát tín hiệu vẫn còn “thoải mái” với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để kiềm chế lạm phát đang trên đà leo thang.
Và không thể không kể đến đợt tăng lãi suất thứ hai với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Ở các nền kinh tế mới nổi, tốc độ tăng lãi suất cũng đang được đẩy mạnh - điều không hề khó hiểu xét tới việc lạm phát ở nhóm nước này đã tăng mạnh từ trước so với ở các nền kinh tế phát triển.
Trong số 18 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, có 9 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 7, tổng cộng tăng 8,5 điểm phần trăm. Nếu tính từ đầu năm, 18 nền kinh tế này đã tăng lãi suất tổng cộng 52,65 điểm phần trăm, gần gấp đôi so với tổng mức tăng 27,45 điểm trong cả năm 2021 – theo dữ liệu của hãng tin Reuters.
“Ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi vẫn đang lo ngại về lạm phát nhiều hơn lo về tăng trưởng”, chuyên gia David Hauner của ngân hàng Mỹ Bank of America nhận định trong một báo cáo.
Hungary có 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 7, với mức tăng tổng cộng 3 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản lên mức 10,75%. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2008, lãi suất ở Hungary tăng lên mức 2 con số. Ngân hàng Trung ương nước này phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Colombia và Chile tăng lãi suất tương ứng 1,5 điểm phần trăm và 0,75 điểm phần trăm trong tháng 7. Ngân hàng Trung ương Brazil, một ngân hàng trung ương được đánh giá là “siêu cứng rắn” trong số các thị trường mới nổi, tạm dừng việc tăng trong tháng 7, sau khi đã nâng lãi suất lên mức 13,25% trong tháng 6.
Nga là nền kinh tế hiếm hoi đang đi ngược lại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Sau 5 lần giảm liên tiếp, lãi suất cơ bản đã được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hạ về mức 8% , thấp hơn mức trước chiến tranh, từ mức 20% sau khi nổ ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trong đợt giảm lãi suất gần đây nhất vào trung tuần tháng 7, CBR áp dụng mức giảm 1,5 điểm phần trăm.
Áp lực lạm phát vẫn đang là một mối lo lớn của các nhà hoạch định chính sách tiền trên toàn cầu – theo ông Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách vấn đề thị trường tiền tệ và vốn thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Tốc độ tăng của lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính bất ngờ, và vẫn còn đó những bấp bênh trong triển vọng lạm phát”, ông Adrian nhận định trong một bài viết blog vào đầu tuần này.
“Triển vọng lạm phát đang nghiêng nhiều về tăng”, ông Adrian phát biểu, và nói thêm rằng có một rủi ro lớn là áp lực giá cả đã bám rễ sâu vào nền kinh tế toàn cầu và các kỳ vọng lạm phát là không thể neo giữ.
Số liệu công bố mới đây cho thấy lạm phát tháng 7 ở Hàn Quốc là 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất 24 năm và tăng tốc từ mức 6% trong tháng 6.
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) ngày 5/8 cảnh báo lạm phát ở nước này sẽ lên mức cao nhất 30 năm, khiến lãi suất phải tiếp tục tăng mạnh, có thể khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thậm chí khó đứng vững. RBA dự báo lạm phát ở Australia sẽ lập đỉnh ở mức 7,75%, tăng mạnh so với mức dự báo 5,9% đưa ra hồi tháng 5.
Sang tháng 8, cuộc đua lãi suất của các ngân hàng trung ương tiếp diễn.
Ngày 4/8, Ngân hàng Trung ương Brazil tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 13,75%, đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 9.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 4/8 quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì nâng 0,25 điểm phần trăm như trong các lần họp trước. Đáng chú ý, BoE cảnh báo rằng nền kinh tế Anh có thể rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.