Hai lần trong 26 năm cuộc đời, anh Lee Hyeon-woo thấy mình may mắn. Đó là khi anh được nhận vào một trong những trường đại học nghệ thuật danh tiếng nhất Hàn Quốc và lúc tìm thấy một căn hộ bán hầm ở Seoul.
Căn hộ bán hầm, được gọi là banjiha trong tiếng Hàn, từng thu hút sự chú ý sau khi xuất hiện trong Parasite - bộ phim đạt giải Oscar của đạo diễn Bong Joon Ho.
Căn nhà kiểu này một lần nữa trở thành tâm điểm khi Seoul hứng chịu trận mưa kỷ lục vào tối 8/8, 3 nạn nhân mắc kẹt trong banjiha đã qua đời.
Cuộc sống dưới hầm
Theo South China Morning Post, anh Lee, 26 tuổi, sống trong một banjiha rộng vỏn vẹn 24 m2, thấp hơn mặt đường khoảng 5 bậc cầu thang.
Căn hộ của anh Lee có một cửa sổ lớn. Nhưng toàn bộ tầm nhìn bị chắn bởi một bức tường ở cuối con hẻm. "Tôi có thể ngủ tới 3 giờ chiều vì không bị ánh nắng mặt trời đánh thức", anh chia sẻ.
"Nhưng tôi vẫn tự thấy mình may mắn. Ở đây không có nấm mốc, sâu bọ hay mùi hôi như những nơi khác. Giá thuê lại rẻ", anh Lee giải thích.
Ẩn mình giữa một thành phố hoa lệ với sự hào nhoáng của ngành công nghiệp K-pop và những đế chế gia đình nổi tiếng như Samsung, banjiha gần như chìm sâu trong bóng tối, ngoại trừ một phần của chiếc cửa sổ nhỏ lộ trên mặt đất, thu về chút ánh sáng ít ỏi cho căn hộ.
“Không ai muốn sống ở banjiha, nhưng họ không có đủ tiền”, nhà thơ Lee Seung Cheol - người đã sống trong một banjiha ở quận Haebangchon (Seoul) được 15 năm - nói với South China Morning Post hồi năm 2020.
"Sống ở dưới cùng, bạn sẽ phải nghe đủ thứ âm thanh từ phía trên vọng xuống", ông than thở.
Theo số liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, trong năm 2018, khoảng 366.000 hộ gia đình Hàn Quốc đang phải sống trong các banjiha.
Hầu hết trong số đó (68%) sống ở Seoul. Những căn nhà bán hầm chiếm tới 6% hộ gia đình tại thủ đô Hàn Quốc.
Tình trạng bất bình đẳng
Khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển thần tốc và giá nhà tăng cao, banjiha đã trở thành một trong những lựa chọn cuối cùng của người nghèo đô thị. Cùng với đó là goshiwon - căn phòng nhỏ, không cửa sổ trong các căn hộ ở chung, và oktapbang (phòng trọ tạm bợ trên những tòa nhà thấp tầng).
Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu Korea Real Estate Board, giá nhà trung bình tại Seoul đã tăng từ 341 triệu won (274.000 USD) vào tháng 5/2017, khi cựu Tổng thống Moon Jae In nhậm chức, lên 626 triệu won ( 500.000 USD) vào tháng 3 năm nay.
Còn giá căn hộ ở Seoul - loại bất động sản được tìm mua nhiều nhất - cũng tăng từ 600 triệu won lên 1,2 tỷ won (gần 1 triệu USD).
Theo hãng tin Yonhap, thu nhập trung bình của một gia đình tại Hàn Quốc trong quý III/2021 là 4,73 triệu won/tháng (tương đương 4.000 USD). Trong khi đó, tính đến năm 2018, thu nhập của những "cư dân banjihan" chỉ khoảng 2,19 triệu won/tháng.
Tiền thuê banjiha mỗi tháng dao động trong khoảng 200.000-500.000 won với khoản đặt cọc 3-10 triệu won.
Tôi thấy cuộc sống riêng tư của mình bị xâm phạm, bởi bất cứ ai cũng có thể theo dõi tôi qua cửa sổ từ bên ngoài
Cô Baek Hyun-young, một sinh viên đại học 23 tuổi
Theo một thống kê cách đây 2 năm, một người lao động bình thường tại Hàn Quốc sẽ phải tiết kiệm khoảng 63 năm để mua một căn hộ. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2019, khi người lao động chỉ phải dành dụm khoảng 22 năm.
Theo tờ ChosunIlbo, tính đến năm 2021, thu nhập trung bình của người lao động Hàn Quốc đã tăng 14,4% trong 5 năm qua, trong khi mức chi tiêu trung bình tăng 10,2%. Tuy nhiên, giá nhà ở Seoul tăng vọt 98%.
Theo South China Morning Post, dù giá bất động sản tăng cao gây sức ép cho những người có thu nhập thấp, số người lựa chọn sống trong banjiha ngày càng ít đi.
Theo số liệu thống kê chính thức, số hộ gia đình sống trong những căn hộ bán hầm đã giảm từ 586.000 trong năm 2005 xuống 400.000 vào năm 2020.
Cô Baek Hyun-young, một sinh viên đại học 23 tuổi, từng sống ở banjiha trong một học kỳ trước khi rời đi. "Nó giống hộp ngủ hơn là một căn nhà", cô chia sẻ.
"Tôi thấy cuộc sống riêng tư của mình bị xâm phạm, bởi bất cứ ai cũng có thể theo dõi tôi qua cửa sổ từ bên ngoài", cô Baek nói thêm.