Năm 2020, Park (35 tuổi) tậu chiếc Porsche từ đại lý ôtô đã qua sử dụng. Anh tốn 2 triệu won/tháng (1.530 USD) để bảo dưỡng xe.
“Tôi không dám đi mua sắm, ăn uống và đôi khi không rời khỏi nhà”, anh nói.
Nhiều người đàn ông ở độ tuổi 20 và 30 có niềm đam mê với xe hơi đắt tiền vào đầu những năm 2010. Tuy nhiên, họ sớm hối hận về điều đó, theo Korea JoongAng Daily.
“Một người quen đã tậu căn hộ khi tôi mua chiếc Porsche. Trị giá tài sản của anh ấy tăng ít nhất 300 triệu won, còn tôi phải bán xe và ngập trong đống nợ”, Park nói.
Lee, sinh viên đại học, dùng phần lớn tiền tiết kiệm để mua chiếc BMW cũ vào năm ngoái.
“Được lái BMW là ước mơ của tôi. Tôi đã tìm thấy mẫu xe được sản xuất lần đầu vào năm 2008 và trả 5,5 triệu won để biến nó thành của mình”, chàng trai 21 tuổi nói.
Lee nghĩ rằng anh sẵn sàng chi trả tiền bảo dưỡng xe cho đến khi nhìn thấy hóa đơn.
“Tôi tốn ít nhất 600.000 won/tháng, đôi khi lên đến 1 triệu won, để sửa chữa, trả tiền xăng và bảo hiểm. Tôi phải vay tiền bố mẹ và làm thêm công việc bán thời gian như giao đồ ăn để cố gắng trang trải”.
Sáu tháng sau, tài khoản ngân hàng của Lee chỉ còn 3.000 won.
“Đừng dại dột mua xe hơi cao cấp mà không suy nghĩ kỹ giống như tôi”, anh nói.
“Car poor” (tạm dịch: người nghèo vì xe hơi) là thuật ngữ người Hàn Quốc dùng để chỉ những người như Park và Kim. Tình hình tài chính của họ sa sút đáng kể sau khi vung tiền cho những chiếc xe hơi cao cấp. Nhóm này khác với “nghèo vì nhà cửa” bởi vì giá trị của ôtô chỉ ngày càng giảm đi.
Trong một số trường hợp, cái giá phải trả là từ bỏ đời sống xã hội.
Hyun (34 tuổi) mua chiếc Mini Cooper vào năm 2017. Anh phải từ bỏ việc hẹn hò để cố gắng trả nợ và tiếp tục bảo dưỡng xe.
Thế giới tài chính đã cho phép những người đàn ông trẻ tuổi có niềm say mê với xe cộ 4 bánh ngay cả khi họ không nên.
Kim (41 tuổi), đại lý ôtô đã qua sử dụng ở Seoul 13 năm qua, cho biết: “Những người trẻ muốn mua xe hơi cao cấp nhưng không có đủ tiền tiết kiệm vẫn có thể sử dụng các gói trả góp hàng tháng bằng thẻ tín dụng. Họ có xu hướng tin tưởng rằng mình có thể trả hết tiền xe trong thời gian dài”.
Ngoài ra, không ít chàng trai thích cảm giác nhận được cái nhìn ngưỡng mộ từ người qua đường khi bước ra khỏi xe ôtô của mình.
“Họ cảm thấy rất hãnh diện”, Kim nói.
Trong thế giới tiêu dùng phô trương, xã hội khó có thể mong đợi điều khác.
Kim Joong-baek, GS xã hội học tại Đại học Kyung Hee, cho biết: “Đó là hiện tượng nảy sinh trong xã hội mà điều quan trọng là phải tìm được sở thích và sự thỏa mãn cá nhân. Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần phải dán nhãn thói quen là điều gì đó tiêu cực”.
Trong khi đó, GS khoa học tiêu dùng Lee Eun-hee tại Đại học Inha không đồng tình.
“Trước khi mua thứ gì đó, mọi người nên cân nhắc xem mình có đủ khả năng chi trả với thu nhập hiện tại và tương lai hay không. Chúng ta chỉ có thể gọi thứ gì đó là tiêu dùng dựa trên giá trị khi người mua nhận thức được số tiền họ đang chi tiêu và có kế hoạch tài chính tốt”, bà nói.