“Thế hệ trẻ đang phải trải qua một hiện thực vô cùng áp lực với đầy rẫy những khó khăn về mặt tài chính và cả cảm xúc cá nhân. Dường như Gen Z phải chạm mặt cơn khủng hoảng 1/4 cuộc đời sớm hơn các thế hệ trước.
Và những lời khích lệ như hãy lạc quan lên, cuộc đời còn dài rộng mà,... là điều gần như vô nghĩa trong mắt họ”.
Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Eli Joseph - Nhà nghiên cứu, đồng thời là giảng viên liên kết tại Đại học Columbia và Đại học New York (Mỹ). Ông cho rằng việc thế hệ trẻ cảm thấy tiêu cực về hiện thực của chính họ không hẳn là do thiếu khả năng khi đối mặt với căng thẳng.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, khó ai có thể cảm thấy lạc quan khi tất cả mọi khía cạnh trong cuộc đời mình đều đang không ổn. Ví dụ điển hình là thất tình, thất nghiệp và nợ nần - tất cả cùng xảy ra một lúc.
Kinh tế khó khăn, người có bằng cấp cũng chẳng dư dả hơn người chỉ học hết phổ thông?
Cuộc khảo sát được Cục Dự trữ Liên bang thực hiện và công bố kết quả vào đầu năm 2024 cho thấy: Chi phí giáo dục bậc đại học ngày càng tăng đã dồn những người trẻ vào thế khó. Họ muốn đi học nhưng không có tiền, các khoản vay sinh viên luôn chào mời nhưng thời hạn vay và mức lãi suất lại quá cao, vượt ngoài khả năng chi trả.
Kết cục, nhiều người quyết định dừng lại chặng đường học tập của mình ở cấp Trung học Phổ thông, vì ngay cả khi có khả năng trả các khoản vay sinh viên, cũng không có gì đảm bảo họ tìm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp.
“Gen Z - Thế hệ được dự đoán là lực lượng lao động chủ chốt đã không còn mặn mà với việc lấy được bằng cử nhân hoặc bằng cấp cao hơn. Họ thà làm các công việc như thợ sửa ống nước, thợ mộc, nhân viên lái máy xúc ở ngoại ô để vừa có thể kiếm được tiền, vừa không phải gánh các khoản nợ nần sinh viên” - The Fortune nhận định.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, các sinh viên đã tốt nghiệp Đại học lại ước giá như mình đã lựa chọn khác đi. Nhiều người không thể xin được các vị trí thực tập sinh để lấy kinh nghiệm, làm đẹp CV. Sinh viên ngành nhân văn và nghệ thuật là 2 nhóm đối tượng khó xin việc nhất sau khi ra trường. Ngay cả những ngành được dự đoán là “không bao giờ lo thiếu việc” như công nghệ, kỹ sư cũng không khá khẩm hơn.
Báo cáo cho thấy trong năm 2023, có tới 200.000 nhân sự ngành công nghệ, kỹ sư đã bị sa thải.
Hẹn hò, kết hôn, mua nhà đều là những chuyện quá xa vời
Ngay cả khi may mắn có việc làm và thu nhập, thế hệ trẻ vẫn chưa thể thoát khỏi cảm giác bất lực và chán nản với hiện thực của mình. Tiền lương không “thắng” được tốc độ lạm phát, thu nhập không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là chi phí nhà ở.
Lựa chọn gần như là duy nhất mà nhóm người trẻ thu nhập thấp đưa ra chính là ở chung với bố mẹ. Quyết định này giống như một cơn sóng ngầm, khiến thanh niên xứ cờ hoa không còn mơ tưởng tới việc hẹn hò và kết hôn.
Trong khi người người đều lên MXH và flex thu nhập, khoe những trải nghiệm xa hoa đắt đỏ trong khách sạn 5 sao, đi du lịch bằng vé máy bay hạng thương gia,... thì những người đang phải sống chung với bố mẹ dù đã ngoài 20 tuổi cho rằng họ là một kẻ thất bại, vì tiền thuê nhà còn chẳng có thì tính gì tới chuyện lập gia đình. Ở Mỹ, việc nhiều thế hệ sống chung trong một ngôi nhà là chuyện hiếm.
Ảnh minh họa
Với nhóm người trưởng thành nhưng chưa thể sống độc lập này, mục tiêu lớn nhất của họ không phải là mua nhà, kết hôn rồi sinh con; mà chính là có thể tự thuê một căn hộ để thoát cảnh dựa dẫm vào gia đình.
Bella DePaulo - Một nhà khoa học xã hội nghiên cứu về người độc thân cho biết: “Ở thời đại này, kết hôn không còn là sự kiện mang tính dấu ấn, đánh dấu sự trưởng thành của một người nữa. Giờ đây, người trẻ sẽ cảm thấy mình trưởng thành hơn nếu họ đạt được những thành tựu khác, đôi khi chỉ đơn thuần là sống một mình”.
Theo Fortune