Trong vài tuần gần đây, mạng Internet tại Việt Nam chậm đi đáng kể do ảnh hưởng từ các tuyến cáp quang bị đứt. Việc này ảnh hướng đến đường truyền của hầu hết đơn vị cung cấp, nhà mạng trong nước.
Theo Báo cáo của Bộ TTTT, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng Internet, đứng thứ 12 toàn cầu. Do đó, vấn đề ở mạng dễ dàng tác động đến cuộc sống của nhiều người dân.
Công việc đình trệ
Sau giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh vào năm 2020-2021, thói quen làm việc trực tuyến được phổ cập đến người dùng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp triển khai làm việc dưới dạng hybrid (bán trực tuyến). Một lượng lớn lao động chuyển sang làm việc online hoàn toàn với lợi thế tự chủ thời gian.
Nhóm người dùng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc trong giai đoạn cáp quang đứt, đường truyền ảnh hưởng.
Bà Quỳnh Nhung, ngụ tại TP.HCM vừa chuyển sang dạy tiếng Anh trực tuyến hoàn toàn vài tháng trước. Công việc được thực hiện chủ yếu trên máy tính bằng các công cụ trực tuyến như Zoom hay Google Meets. Từ khi đường truyền mạng gặp vấn đề, những buổi dạy của giáo viên này thường xuyên bị gián đoạn.
“Buổi sáng, những nhóm ít người không sao, chứ vào giờ cao điểm, mạng lại càng yếu đi. Mỗi ca dạy của tôi kéo dài khoảng một giờ. Tuy nhiên từ khi đứt cáp, thời gian thực tế bị rút ngắn bởi các sự cố đường truyền diễn ra trong quá trình làm việc. Mạch giảng bài, chia sẻ cũng không được như trước khi phải tạm dừng nhiều lần lúc Internet chập chờn”, bà Nhung nói.
Trong khi đó, những người làm việc với tập tin nặng cũng “khổ sở” vì mạng yếu. Ông Nguyễn Hà Phương, ngụ tại Hà Nội đang là một quay phim tự do. Sau một buổi quay hình, người này phải upload toàn bộ sản phẩm thô cho đối tác. Loại tập tin video chất lượng cao này có dung lượng lớn đến hàng trăm GB, cần đường truyền tốt để tải lên kho lưu trữ đám mây.
“Gói mạng tôi đăng ký tại nhà vốn có tốc độ khá cao. Nhưng từ khi đứt cáp, vào giờ cao điểm chỉ còn vài trăm Kb/s. Sau buổi quay hình, tôi phải ra hàng net thuê máy, chia nhỏ file tải lên cho khách hàng chứ không kịp giờ”, ông Hà Phương nói.
Phước Khánh, đồng nghiệp của Hà Phương, hiện ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng rơi vào tình huống tương tự. “Chủ quan, tôi không tính thêm thời gian để tải video xuống, đăng sản phẩm lên nên suýt nữa trễ hẹn với khách hàng. Công việc phải làm việc với file video nặng, tài nguyên thiết kế hàng chục GB, mạng yếu khiến mọi thứ đình trệ hẳn”, ông Khánh chia sẻ.
Bên cạnh những công việc phức tạp, một số tác vụ cơ bản trên Internet cũng trở nên chậm chạp những ngày này. Thu Uyên, nhân viên một công ty xây dựng tại TP Thủ Đức, TP.HCM không thể mở được email đối tác gửi khi dùng mạng tại nhà vào buổi tối. Do vậy, nhiệm vụ ngoài giờ làm việc khó xử lý, phải đợi đến hôm sau.
Giải trí gián đoạn
Bên cạnh phục vụ công việc, các hình thức giải trí trên Internet hiện khá phổ biến. Trong đó, một số dịch vụ quốc tế hiện đã có máy chủ đặt trong nước nên tốc độ truyền tải được đảm bảo. Tuy nhiên, một nhóm người dùng khác vẫn trong vùng bị ảnh hưởng.
Hải Dương thường dùng thời gian rảnh vào buổi tối để giải trí bằng các tựa game bắn súng trực tuyến như Valorant, CS:GO. Đây là những trò chơi yêu cầu phản ứng nhanh, chính xác. Do đó, việc mạng kém, mức ping (độ trễ) tăng lên 100-200 ms khiến trải nghiệm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tôi thử cài thêm một vài phần mềm giảm lag, nhưng không có nhiều hiệu quả. Những ngày gần đây tôi phải tìm đến hình thức giải trí khác, vì chơi game gần như không thể”, ông Dương nói.
Trước khi chuyển đổi nhà phát hành, Liên Minh Huyền Thoại từng tạm dừng hơn 2 ngày khi có vấn đề với đường truyền máy chủ. Ngoài ra, việc tải game, dữ liệu trò chơi cũng rất chậm. Các game AAA hiện có dung lượng từ vài chục đến hàng trăm GB. Người dùng có thể mất nhiều ngày để tải game với tốc độ mạng hiện tại.
Một số dịch vụ stream video cũng bị giảm chất lượng, bị giật lag trong những ngày gần đây bởi mạng kém.
Hiện tại, 4/5 tuyến cáp quang biển tại Việt Nam đang gặp sự cố, khiến đường truyền Internet trong nước đi quốc tế gián đoạn. Vấn đề về tốc độ Internet có thể kéo dài khi thời gian sửa chữa được một nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tiết lộ sẽ hoàn thành trong tháng 3-4.