3h sáng ngày chủ nhật, trời tối đen, mặt đường vẫn còn ướt do cơn mưa rào tối hôm trước, không khí nhờ thế cũng đem lại cảm giác mát lạnh dễ chịu. Hàng nghìn người đứng dưới tấm biển hiệu xuất phát để chuẩn bị cho hành trình của kéo dài vài chục km.
Sống với gia đình tại Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Huệ (34 tuổi) phải đặt báo thức lúc 2h để chuẩn bị và kịp có mặt tại điểm xuất phát trước khi khởi hành. Tạm gạt đi lo lắng về thời tiết xấu, chị Huệ hòa vào đám đông, khởi động với các động tác giãn và làm nóng cơ thể cùng tâm trạng háo hức.
Tranh thủ thời gian để tập luyện
Chia sẻ với Zing, chị Nguyễn Thị Huệ cho biết bản thân vốn là người thích các bộ môn thể thao nói chung. Riêng với chạy bộ, chị bắt đầu tập từ thời điểm còn là sinh viên.
“Ban đầu, tôi chỉ chạy như một phương pháp tập thể dục thông thường. Tuy nhiên, sau này khi phong trào chạy bộ đi lên, các giải chạy được tổ chức phổ biến hơn, tôi cũng đăng ký tham gia”, chị kể lại.
Trước đó, chị Huệ cũng đã có kinh nghiệm tham gia nhiều giải chạy khác. Thời gian đầu, chị chỉ đăng ký chạy với khoảng cách 10 km. Tuy nhiên, trong 4 giải gần nhất, chị đều tham gia với quãng đường 21 km.
“Bình thường, khi tập luyện, tôi có thể chạy tối đa khoảng 30-35 km. Tuy nhiên giải lần này do chưa có nhiều thời gian tập, tôi vẫn chỉ đăng ký vừa sức với 21 km (half-marathon) thay vì quãng đường 42 km (marathon)”, chị Huệ nói.
Runner này chia sẻ mình làm việc tại một văn phòng thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Hàng ngày, chị Huệ phải dành cả ngày tại văn phòng và trở về nhà lúc tối muộn. Mặt khác, chị cũng đã có gia đình với con nhỏ mới 3 tuổi nên quỹ thời gian là vấn đề lớn.
Chị Huệ tâm sự thường dậy sớm, tranh thủ thời gian con ngủ, học bài hoặc cuối tuần để tập luyện. Còn hàng ngày, chị Huệ sẽ dành thời gian buổi tối, sau khi đi làm về chăm sóc con cùng chồng.
Ngoài thời gian, người phụ nữ này chia sẻ một khó khăn khác thường gặp trong quá trình chạy bộ đường dài là thời tiết. Những ngày mùa hè vừa qua tại miền Bắc, thời tiết nắng nóng khiến chị cảm giác mệt nhanh hơn. Nhiều lần tập ở nhà, chị cũng có cảm giác khó thở, cơ thể mỏi nhừ.
“Dù sao, mỗi lần kết thúc đường chạy, tôi vẫn rất vui và luôn nghĩ có thể chạy được thêm nữa”, chị Huệ cười.
Chung cảm xúc, anh Lê Minh Phúc (35 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng phải trải qua quá trình tập luyện cùng nhiều khó khăn trước khi tham gia đường chạy marathon 21 km.
Theo chia sẻ, anh Phúc là nhân viên của một công ty phần mềm tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do tính chất công việc, anh Phúc cũng thường xuyên phải ở lại công ty tới tối muộn.
“Đây mới là lần thứ 2 tôi tham gia một giải chạy lớn. Trước đó, tôi cũng được được một người bạn rủ tham gia nhưng ở lần trước, tôi không thể hoàn thành đường chạy. Lần này, để đảm bảo đủ thể lực cho quãng đường 21 km, tôi đã cố gắng dậy sớm vào 3 ngày trong tuần để tập luyện”, anh Phúc nói.
Có con gái vừa vào lớp một, anh Phúc thường tranh thủ tập chạy tại công viên gần nhà trong khoảng thời gian từ 4h đến 5h30 để kịp giờ về chuẩn bị đưa bé tới trường.
Anh chia sẻ: “Dù hơi mệt ở thời điểm đầu, tôi nghĩ đây cũng là áp lực để tôi vận động nhiều hơn. Công việc của tôi vốn không đòi hỏi di chuyển nhiều, cả ngày chỉ ngồi lì một chỗ cũng không tốt”.
Người đàn ông này cho biết anh cũng chủ động lựa chọn đường chạy 21 km thay vì 10 km, bất chấp thất bại từ lần trước, để tự đặt ra thử thách cho chính mình. Trong khi đó, 42 km lại có phần quá sức với anh.
Chạy bộ cũng cần học
Trao đổi với Zing, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết khoảng 3-4 năm trở lại đây, phong trào chạy bộ tại Việt Nam có sự phát triển mạnh.
Vị chuyên gia nhận định đây là một hoạt động thể thao đơn giản nhưng rất tốt, giúp nhiều người dân khỏe mạnh và dẻo dai hơn, nhất là trong bối cảnh thời đại mới, công việc ít đòi hỏi vận động.
Tuy nhiên, ông lưu ý với bộ môn marathon, tiêu biểu là các đường chạy 21 km hay 42 km, người tham gia bắt buộc phải có quá trình tập luyện và sự chuẩn bị kỹ càng từ trước.
“Thông thường, nếu chỉ chạy bộ đơn thuần như một phương pháp tập thể dục, chúng ta không có quá nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, với những đường chạy dài, chúng ta phải có giáo án, chương trình tập luyện chuẩn để đảm bảo sức khỏe cũng như tránh chấn thương không đáng có”, BS Thủy giải thích.
Đáng chú ý, ông cho rằng 21 km là quãng đường vẫn nằm trong sức chịu đựng của nhiều người. Tuy nhiên, 42 km là đường chạy buộc người thực hiện phải rất nghiêm túc luyện tập mới có thể hoàn thành một cách an toàn.
“Ở tất cả loại hình vận động, trên 30 km là đã vượt ngưỡng giới hạn của của một người bình thường. Do đó, việc đáp ứng quãng đường này cần có sự chuẩn bị thật sự chuẩn chỉnh”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài khoảng cách, BS Thủy cho hay một số vấn đề khác liên quan môi trường như nắng nóng, nhiệt độ cao gây sốc nhiệt hay mưa, đường trơn, dốc… cũng là lưu ý đòi hỏi người chạy đường chạy phải có hiểu biết và tập luyện để tự bảo vệ sức khỏe.
Mặt khác, việc bổ sung nước trong quá trình chạy marathon cũng có vai trò rất quan trọng. Theo Runnermag, một nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra các vận động viên bổ sung natri clorua, các chất điện giải khác hoặc uống đồ uống thể thao trước và trong thời gian thi đấu đều đã cải thiện thành tích của họ lên trung bình 8%.
Nước vẫn được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình tập luyện và thi đấu marathon. Việc nạp đủ nước trước, trong và sau chạy bộ sẽ giúp cơ thể tiếp thu năng lượng tốt hơn. Việc không để cơ thể mất nước khi chạy bộ cũng giảm tỷ lệ gặp chấn thương, đồng thời giữ cho tim hoạt động tốt, tránh hoạt động quá sức.
Đổ mồ hôi nhiều hơn thường lệ và khát là hai biểu hiện cơ bản của việc mất nước. Lúc này, các runner cần nạp nước nhanh nhất có thể. Việc nạp không đủ nước cũng sẽ khiến cơ thể phục hồi chậm hơn.
Dẫu vậy, đổ ít mồ hôi cũng là biểu hiện của việc mất nước. Đây thường là kết quả của việc say nóng. Nếu để tình trạng kéo dài, runner có thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt dẫn đến ngã, ngất, mất ý thức trên đường chạy.
Ngoài nước lọc, các runner cũng nên nạp nước điện giải để bù khoáng, muối cùng những chất cơ thể bài tiết theo đường mồ hôi khi tập luyện và thi đấu như natri, clorua, kali, magie, canxi.