Nhà sáng lập sàn giao dịch FTX vẫn chưa thừa nhận bất cứ tội danh nào. Ảnh: WSJ.
Theo CNBC, ông Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn giao dịch FTX đang bị nhiều cơ quan hành pháp điều tra. Tuy nhiên, việc bắt giữ vị cựu CEO 30 tuổi này sẽ không đơn giản.
Những bản án đang chờ đợi
Các chuyên gia pháp lý cho rằng Bankman-Fried có thể phải đối mặt với một loạt các tội danh dân sự và hình sự, cùng với đó là những vụ kiện từ hàng triệu chủ nợ của FTX.
Hiện Bankman-Fried vẫn chưa bị buộc tội, xét xử hay bị kết án về bất cứ tội danh nào. Tuy nhiên, cả ba cơ quan, bao gồm Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và Quốc hội Mỹ, đều đã để mắt tới cựu CEO của FTX.
Đầu tiên là các tội danh hình sự từ Bộ Tư pháp Mỹ. Theo Chủ tịch FinTech Richard Levin Scarborough, Bankman-Fried có khả năng “vi phạm hình sự luật đầu tư, luật gian lận ngân hàng và luật gian lận chuyển khoản”.
“Lập luận của các công tố viên sẽ là Công ty Alameda đã lấy tiền của nhà đầu tư để thực hiện một hoạt động kinh doanh khác không theo cam kết”, ông Renato Mariott, cựu công tố viên liên bang, nhận định.
Ông Mariotti cho biết các công tố viên có thể lập luận rằng FTX đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác bằng cách đưa ra cáo buộc về việc công ty sử dụng tiền của khách hàng để ổn định giá của đồng FTT.
Sự sụp đổ của FTX đã gây ra cơn chấn động đối với thị trường tiền mã hóa. Ảnh: Rafael Henrique.
Ngoài các cáo buộc hình sự, Bankman-Fried cũng có thể phải đối mặt với các bản án dân sự. “Điều đó có thể được đưa ra bởi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai và các cơ quan quản lý chứng khoán cùng ngân hàng nhà nước”, ông Levi nhận định thêm.
Gian lận chuyển khoản là cáo buộc hình sự mà Bankman-Fried khả năng cao sẽ phải đối mặt. Nếu Bộ Tư Pháp Mỹ (DOJ) có thể thực hiện kết án, các yếu tố phạm tội sẽ được cơ quan xem xét để xác định thời hạn giam giữ.
Theo ông Braden Perry, luật sư xét xử cấp cao của CFTC, dựa trên quy mô thiệt hại, nếu Bankman-Fried bị kết tội lừa đảo hoặc các tội danh khác, cựu CEO của FTX có thể phải ngồi tù trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều tội phạm bị kết án nhẹ hơn so với những gì pháp luật quy định.
Trước đó, ông Stefan Qin, nhà sáng lập người một quỹ phòng hộ tiền mã hóa trị giá 90 triệu USD, đã bị kết án hơn 7 năm tù sau khi kết án tội gian lận đầu tư. Ông Roger Nils-Jonas Karlsson, một công dân Thụy Điển bị cáo buộc lừa đảo hơn 3.500 nạn nhân với số tiền hơn 16 triệu USD, đã bị kết án 15 năm tù vì tội gian lận đầu tư, gian lận chuyển khoản và rửa tiền.
Khó khăn trong việc điều tra
Trong vụ lừa đảo nổi tiếng nhất trong những năm gần đây, ông Bernie Madoff đã bị bắt trong vòng 24 giờ sau khi chính quyền liên bang nắm được kế hoạch Ponzi trị giá hàng tỷ USD của nguyên chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ. Khi ấy, ông Madoff đang ở New York và đã thừa nhận hành vi của mình ngay tại chỗ.
Nhà sáng lập FTX đang ở Bahamas. Tuy nhiên, Bankman-Fried không thừa nhận hành vi sai trái nào của bản thân. Chính vì vậy, nếu cha đẻ của đồng FTT không có sự trở lại hợp tác điều tra một cách tự nguyện, các cơ quan muốn truy bắt sẽ buộc phải yêu cầu luật dẫn độ.
Với hàng trăm công ty con và tài khoản ngân hàng, cùng với đó là hàng nghìn chủ nợ, các công tố viên và cơ quan quản lý sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết mọi việc.
Theo ông Mariotti, những trường hợp lừa đảo tương tự “đã mất nhiều năm để giải quyết”. Tại FTX, nơi mà việc lưu trữ hồ sơ không hoàn toàn chính xác, việc thu thập đủ dữ liệu để truy tố có thể khó hơn rất nhiều. Trong vụ án của Enron, các giám đốc điều hành cấp cao đã không bị buộc tội cho đến gần ba năm sau khi công ty phá sản.
Tuy nhiên, Bankman-Fried sẽ không hề thong thả trong khoảng thời gian tới. Hạ nghị sĩ Maxine Waters đã mời cựu CEO của FTX đến xuất hiện tại phiên điều trần ngày 13/12. Đáp lại, Bankman-Fried khẳng định bản thân hiểu chuyện gì đã xảy ra tại FTX và ông sẽ xuất hiện.