Theo thông tin mà The Block thu thập được, FTX đã chi 74 triệu USD để mua các bất động sản trong năm nay ở Bahamas, quốc gia công ty này đặt trụ sở. Từng được định giá ở mức khoảng 40 tỷ USD, công ty này lại hoạt động với mô hình kỳ lạ.
Toàn bộ cộng sự thân tín sống chung trong một biệt thự lớn, cũng là nơi làm việc. Căn penthouse rộng khoảng 1.110 m2 là nơi đặt trụ sở của FTX cùng các công ty liên quan đến doanh nghiệp này, tất cả đều chịu ảnh hưởng từ Sam Bankman-Fried.
Từ trước khi thảm họa xảy ra với FTX, cách hoạt động của họ được đánh giá rất kỳ lạ với quy mô hàng chục tỷ USD. Doanh nghiệp giống như một công ty gia đình với những đồng nghiệp cũ, bạn thân thời đại học của Sam Bankman-Fried. Họ sống chung, cùng làm việc ở căn penthouse đã đề cập ở trên.
Đống hoang toàn còn sót lại
Theo mô tả từ cây viết Zeke Faux của tờ Bloomberg, căn penthouse 30 triệu USD của Sam Bankman-Fried giờ đây trông giống như một ký túc xá bừa bộn khi sinh viên rời đi để nghỉ đông.
Máy rửa chén chất đầy chén dĩa. Khăn chất đống trong phòng giặt. Những chú dơi trang trí từ một bữa tiệc Halloween vẫn đang treo trên ô cửa. Hai hộp xếp hình Lego vứt trên sàn của phòng ngủ.
Những đôi giày giày thể thao và giày cao gót chất đống trong phòng giải trí, bị bỏ lại bởi các nhân viên cố gắng chạy trốn khỏi đảo New Providence khi đế chế FTX sụp đổ.
"Một vài tuần qua thật điên rồ", Bankman-Fried nói với Zeke Faux. Cây viết của tờ Bloomberg gặp Sam Bankman-Fried 8 ngày sau khi FTX nộp đơn phá sản.
Dù từng là tỷ phú hay bây giờ đang trắng tay, người sáng lập FTX vẫn trung thành với lối ăn mặc giản dị gồm áo phông và quần short kaki nhăn nheo.
Bankman-Fried sau đó dẫn Faux xuống một hành lang làm bằng đá cẩm thạch dẫn đến một phòng ngủ nhỏ, nơi anh ngồi trên một chiếc ghế dài màu nâu sang trọng.
"Người hùng tiền số" một thời trông vẫn khá vui vẻ và lạc quan, ngay cả khi các điều tra viên của Bộ Tư pháp Mỹ đang chứng minh Bankman-Fried sử dụng tiền gửi của khách hàng để cho quỹ Alameda Research vay đến 2,3 tỷ USD. Nếu bị kết tội, người sáng lập FTX sẽ phải vào tù trong nhiều năm.
"Những gì tôi có thể làm ngay bây giờ là cố gắng và làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn nhất có thể. Tôi sẽ không làm thế nếu chỉ đang cố lấp liếm tội của mình", Bankman-Fried nói.
Muốn sửa sai nhưng thực chất hành động chỉ là bao biện
Tuy nhiên, lời nói của tỷ phú tiền số một thời lại không giống với những hành động gần đây tại hội nghị trực tuyến DealBook của New York Times hay cuộc phỏng vấn trên Good Morning America.
Tại các buổi xuất hiện công khai trên, Bankman-Fried cố gắng đổ lỗi cho sự thất bại của FTX là sự kết hợp mơ hồ của quá trình kiểm toán nghèo nàn, những rủi ro bị đánh giá sai và hoàn toàn không biết gì về quỹ Alameda Research do chính mình đứng tên.
Bankman-Fried được cho là đã chuyển hơn 10 tỷ USD từ FTX sang Alameda Research nhằm "mục đích riêng". Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng thanh khoản của sàn và sụp đổ.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi này, Bankman-Fried khẳng định mình "không bí mật chuyển tiền mà chỉ gắn nhãn nội bộ gây khó hiểu".
Theo cựu CEO FTX, tình huống này là do lỗi kế toán, trong đó có “sự khác biệt đáng kể” giữa báo cáo tài chính được kiểm toán hợp pháp của công ty và các số liệu hiển thị trên bảng điều khiển bị lỗi của sàn giao dịch.
Nói cách khác, một cựu sinh viên MIT, đồng thời cũng là nhà giao dịch kỳ cựu trên Phố Wall, đang lập luận rằng mình chỉ đơn thuần là thiếu hiểu biết với những con số, chứ không phải là một kẻ lừa đảo có ý thức.
11 giờ với những lời bào chữa
Cuộc đối thoại giữa Zeke Faux và Bankman-Fried kéo dài khoảng 11 giờ. Tuy nhiên, xuyên suốt cuộc trò chuyện, người sáng lập FTX phủ nhận bản thân đã phạm tội lừa đảo hoặc nói dối bất cứ ai. Bankman-Fried chỉ đơn thuần đổ lỗi cho sự thất bại của FTX là do sự chậm chạp và vô tâm.
Bankman-Fried thậm chí còn nói với Zeke Faux vẫn có cơ hội huy động được 8 tỷ USD để cứu đế chế mà anh đã từng xây dựng.
Dường như cựu CEO này đang ảo tưởng, hoặc rất có thể chỉ là một cam kết giả vờ rằng đây là lỗi mà anh ta có thể sửa chữa.
Dù bằng cách nào, chẳng ai có thể tin vào điều kỳ diệu đó, kể cả số ít những người ủng hộ Bankman-Fried trong căn penthouse này.
Faux mô tả về FTX như một sòng bạc, nơi khách hàng gửi tiền và sau đó đánh cược với giá trị của hàng trăm loại tiền số, không chỉ Bitcoin hay Ether.
Sòng bạc của Bankman-Fried đã phát triển nhanh đến mức hồi đầu năm nay, một số nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu từ Thung lũng Silicon định giá nó ở mức 32 tỷ USD.
Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi các đối thủ của FTX nói lên nghi ngờ về cách mà sàn này dùng tiền của khách hàng.
Người dùng sau đó hoảng hốt kiểm tra tiền gửi của mình và sự thật được phơi bày khi "két sắt" của Bankman-Fried lúc này hoàn toàn trống rỗng.
John J. Ray III, CEO mới của FTX sau đó đã gửi lên tòa án báo cáo sơ bộ về tình hình công ty, khẳng định nhà sáng lập Sam Bankman-Fried dùng phần mềm che giấu việc lạm dụng tiền của khách hàng.
"Tôi chỉ nghĩ là mình đã đưa ra nhiều quyết định ngu ngốc. Chắc chắn khi nhìn lại thì những quyết định lớn đó rất tệ và áp đảo mọi thứ khác", nhà sáng lập FTX phủ nhận cáo buộc gian lận với Faux.
Sự hấp dẫn của FTX nằm ở việc nó hoạt động như một kênh phái sinh, cho phép khách hàng sử dụng "đòn bẩy" hay nói cách khác là vay nợ để đầu tư mà không cần thủ tục phức tạp. Đây cũng là chìa khóa mà Sam Bankman-Fried lập luận để biện hộ cho mình.
Bankman-Fried cho rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi các đối tác lớn trên FTX, bao gồm cả Alameda dùng đòn bẩy để giao dịch. "Mọi người đều vay mượn hoặc cho người khác vay", nhà sáng lập FTX nói.
Tuy nhiên, theo Zeke Faux, các nhà giao dịch tiền số khẳng định một hệ thống ký quỹ bình thường sẽ không bao giờ cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tích lũy được một khoản nợ trông giống như Alameda.
"FTX là một doanh nghiệp hợp pháp, có lợi nhuận và phát triển mạnh. Sau đó tôi cho phép các vị thế ký quỹ quá lớn. Điều đó đã gây nguy hiểm cho nền tảng. Đó là một quyết định hoàn toàn không cần thiết và rõ ràng có thể tránh được, dù có thể là không gặp may nữa nhưng suy cho cùng vẫn là lỗi của tôi", Sam Bankman-Fried nói.