Nguồn tin của Business Insider cho biết, bức thư này được đăng trên Slack của FTX bởi một nhân viên khác vì Sam Bankman-Fried (SBF) không còn là nhân viên của công ty. “Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi vì những gì đã xảy ra. Tôi lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra với các bạn”, SBF viết trong bức thư.
Anh cũng viết thêm: “Tôi không cố ý để bất kỳ điều gì trong số này xảy ra. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để quay lại và làm lại mọi thứ. Các bạn là gia đình của tôi. Tôi đã mất điều đó. Ngôi nhà cũ của chúng ta giờ chỉ là một nhà kho trống với đầy màn hình”.
Trong bức thư, SBF cũng nói về những nguyên nhân khiến sàn giao dịch tiền điện tử FTX phá sản. SBF tiết lộ, đầu năm 2022, FTX vẫn còn khoảng 60 tỷ USD tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường tiền số đã làm giảm một nửa giá trị tài sản thế chấp của công ty, trong khi nợ phải trả là 2 tỷ USD.
Đầu tháng 11, đồng Bitcoin bất ngờ lao dốc và mất hơn 5% giá trị. SBF cho biết, điều này đã khiến giá trị tài sản thế chấp của FTX giảm xuống còn 17 tỷ USD và nợ phải trả tăng lên 8 tỷ USD. Cũng trong tháng 11, việc rút tiền hàng loạt tiếp tục khiến giá trị tài sản thế chấp của FTX giảm xuống còn 9 tỷ USD.
Ngày 11/11, FTX Group chính thức nộp đơn xin phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản và ngừng dịch vụ rút tiền.
SBF thừa nhận mình đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc ký quỹ cũng như những rủi ro tiềm ẩn sau đó.
Trong bức thư, cựu CEO FTX không đề cập gì đến việc mình dùng tiền của khách hàng chuyển sang Alamenda Research, một công ty khác cũng do SBF thành lập.
Mặc dù đã chấp nhận sự sụp đổ của FTX, cựu CEO vẫn khẳng định trong bức thư rằng mình đã suýt cứu được đế chế tiền điện tử trong vài giờ cuối trước khi ký vào đơn xin phá sản.
"Chúng tôi đã có thể huy động được nguồn tài trợ đáng kể. Hàng tỷ USD tiềm năng từ các quỹ có thể đã đến trong khoảng 8 phút trước khi tôi ký vào đơn xin phá sản theo Chương 11", SBF chia sẻ.
Tham khảo: CNBC, Business Insider