Đợt sa thải quy mô lớn ở Snapchat, tình trạng vốn hóa lao dốc của Meta, Apple cùng với chính sách giảm tuyển dụng nhân sự mới ở các Big Tech gần đây đã làm dấy lên một câu hỏi lớn cho ngành công nghệ: Liệu có phải Thung lũng Silicon đã hết thời?
Sự thoái trào của kinh đô công nghệ Mỹ
Trả lời vấn đề này, các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định. Lĩnh vực công nghệ đã phát triển chóng mặt trong một thời gian dài, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 khi mọi người đều phải ở nhà và sử dụng các dịch vụ trực tuyến để làm việc, học tập.
Điều này đã giúp lương thưởng của nhân viên trong ngành được nâng cao đáng kể. Song, gần đây, đà tăng trưởng này đã có dấu hiệu giảm tốc.
“Tiệc nào cũng đến lúc tàn. Lĩnh vực này đang trở lại guồng quay bình thường sau thời kỳ bành trướng với một quy mô đáng kinh ngạc”, bà Margaret O’Mara, giáo sư về lịch sử kinh tế hiện đại tại Đại học Washington, nhận định trên Guardian.
Trong nhiều thập kỷ, Thung lũng Silicon là nơi sản sinh ra các công ty công nghệ đình đám. Ảnh: Bloomberg.
Xu hướng đi xuống của các Big Tech còn bị tác động bởi những thách thức lớn trong kinh tế thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022 và thậm chí còn có khả năng tiếp tục tăng.
Theo The Guardian, mức lãi suất thấp trước đó đã tạo điều kiện cho ngành công nghệ phát triển, mở ra hàng loạt những “kỳ lân công nghệ” có vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD.
Nhưng khi tỷ lệ lãi suất thay đổi, dòng tiền sẽ chậm lại và các nhà đầu tư cũng cẩn trọng hơn, O’Mara cho biết. “Các nhà đầu tư vẫn còn tiền nhưng dòng giao dịch sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn”, chuyên gia khẳng định.
Tốc độ tăng trưởng của các Big Tech cũng bắt đầu giảm tốc khi hàng loạt những sự kiện không hay xảy ra trên thị trường như đợt IPO thất bại của WeWork đổ bể, định giá lao dốc từ 47 tỷ USD xuống còn vài tỷ USD. Hay Theranos, công ty xét nghiệm máu của “siêu lừa” Elizabeth Holmes, lừa đảo về công nghệ và quy trình xét nghiệm.
Những câu chuyện này cùng với quy định siết chặt giới công nghệ và lời tố cáo Facebook gây chấn động của Frances Haugen trước Quốc hội Mỹ đã làm hình ảnh các công ty trong Thung lũng Silicon ít nhiều bị lung lay, The Guardian nhận định.
Các tập đoàn công nghệ ở Thung lũng gặp phải rất nhiều thách thức trên thị trường. Ảnh: Alamy.
Ngay cả những người từng ủng hộ các đế chế công nghệ như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải cân nhắc. Ông đã hưởng lợi không ít khi tận dụng Facebook cho lần tranh cử vào năm 2008, nhưng hồi tháng 4 năm nay đã chỉ trích mạng xã hội này vì lan truyền tin giả về các cuộc bầu cử.
Trong khi đó, người dùng cũng nhiều lần lên án về sự bành trướng của các tập đoàn công nghệ. Cụ thể, trong khảo sát hồi tháng 7 của Pew Research Center, 68% người Mỹ cho rằng các công ty này nắm giữ quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế chung, tăng 17% so với năm 2018.
“Họ lo lắng khi quyền lực bị tập trung vào một bộ phận nhỏ người”, O’Mara nhận định.
Dấu chấm hết cho thời kỳ của Thung lũng Silicon
Theo các chuyên gia, các ông lớn cũng dần chuyển trụ sở khỏi Thung lũng Silicon hàng thập kỷ “đóng đô” tại đây. Tọa lạc ở phía nam San Francisco, khu vực này vốn được xem là kinh đô công nghệ với hàng loạt trụ sở của các Big Tech.
Nhưng sau đại dịch Covid-19, các tập đoàn ở đây đã bắt đầu mở rộng sang vùng Bay Area ở bang California. Công ty xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã chuyển trụ sở của mình sang Austin, bang Texas vào năm 2021.
Đồng thời, các tập đoàn cũng thay đổi kế hoạch tuyển dụng của mình và hậu quả là họ đang phải đối mặt với “mùa đông của các khoản vốn đầu tư”, chuyên gia Brent Williams của công ty tuyển dụng Michael Page nhận định.
“Covid-19 đã thay đổi toàn bộ thị trường. Các hãng giờ đây phải đua nhau để kéo nhân tài về vì họ không chỉ phải cạnh tranh với trung tâm công nghệ Bay Area mới mà còn là cả nước Mỹ”, chuyên gia nói thêm.
Các công ty dần rời khỏi Thung lũng Silicon. Ảnh: Getty Images.
Tuy nhiên, dù đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, vị thế của Thung lũng Silicon vẫn rất vững mạnh, Nicholas A Bloom, Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, cho biết. Kinh đô công nghệ này đã trải qua nhiều chu kỳ tăng trưởng và xuống dốc và lần nào cũng phục hồi trở lại như trước đây.
“Silicon Valley vẫn là một đế chế hùng mạnh với tiềm năng phát triển không khu vực nào có thể sánh bằng”, chuyên gia bổ sung.
Đồng quan điểm, giáo sư Margaret O’Mara cho rằng sẽ không nhiều công ty rời khỏi Thung lũng vì nơi đây có những đặc điểm riêng và khả năng tự hồi phục đáng kinh ngạc mà không nơi nào đó. “Đây có thể là dấu chấm hết cho một thời kỳ của Thung lũng Silicon, nhưng kinh đô công nghệ này vẫn chưa đi đến hồi kết”, bà khẳng định.