Chiều ngày 26/6, Quốc hội thảo luận về phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG, BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Các đại biểu nhất trí cao với báo cáo đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Vietnam Airlines cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp tự thân, cơ cấu lại tổ chức hoạt động của tổng công ty, tiết kiệm, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại nợ vay, nhờ đó đã góp phần đáng kể trong xử lý giảm lỗ.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết qua 4 năm, Vietnam Airlines lỗ trên 32.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu, nếu không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản.
Do đó, để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, đại biểu Trần Hoàng Ngân tiếp tục đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần và như vậy kéo dài trong 5 năm.
Hơn nữa, vốn Vietnam Airlines hiện nay đang vay tái cơ cấu chỉ có 4 nghìn tỷ, so với khoản nợ của Việt Nam Airlines hiện nay lên tới khoảng 58 nghìn tỷ, như vậy khoản này cũng rất ít.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines - Ảnh: Quochoi.vn.
Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng nhận thấy khoản 4.000 tỷ đồng cũng không quá lớn trong một doanh nghiệp như Vietnam Airlines, chỉ có điều đã gia hạn và đợt này gia hạn tiếp.
"Với lý do trình, tôi thấy nếu không chấp nhận cũng sẽ rất khó khăn cho một doanh nghiệp mang tính "đầu tàu" của Việt Nam như hiện nay, cũng rất then chốt và là hình ảnh quốc gia", ông Huân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu yêu cầu Vietnam Airlines có một kế hoạch về việc sẽ tái cấu trúc như nào, vừa rồi những nỗ lực của Vietnam Airlines rất lớn về giảm người lao động nhưng kế hoạch như thế nào để đảm bảo 5 năm tới không phải đề nghị Quốc hội xin tái cấp vốn một lần nữa.
CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, CẤP BÁCH GIẢM NỢ NGẮN HẠN
Để có giải pháp căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airlines trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra nhiều kiến nghị.
Trước hết, đề nghị với Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn cũng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải tái cơ cấu lại nợ, trong đó, phải giảm nợ ngắn hạn.
Giảm nợ ngắn hạn bằng cách gì? Đó là tiếp tục tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu.
Theo ông Ngân, trong ngày hôm nay và ngày hôm qua khi đại biểu thảo luận tổ thì giá cổ phiếu của Vietnam Airlines đã tăng thêm, vốn hóa của công ty tăng thêm 3 nghìn tỷ đồng, đưa vốn hóa tổng công ty lên tới 3 tỷ USD. Như vậy, việc phát hành cổ phiếu ở thời điểm này rất thuận lợi. Giá cổ phiếu HVN là 34.350 đồng, tức là gấp 3 lần so với mệnh giá.
Thứ hai,phải tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Vietnam Airlines phải tái cơ cấu lại nợ, trong đó, phải giảm nợ ngắn hạn.
"Ngành hàng không của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, không chỉ đối với Vietnam Airlines mà phải hỗ trợ cho nhiều tập đoàn hàng không. Chúng ta cần xem xét đến gói tái cấp vốn cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhưng các tập đoàn đó phải có tài sản thế chấp và có phương án kinh doanh hiệu quả. Chúng ta chỉ tái cấp vốn với lãi suất thấp", ông Ngân đề nghị.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hoà Bình) cho rằng do chịu tác động khủng hoảng kép từ đại dịch Covid - 19 và những bất ổn địa chính trên thế giới, chi phí đầu vào như giá dầu, tỷ giá, chi phí kỹ thuật tăng cao, biến động rất lớn nên để lại những hậu quả rất lớn, âm vốn chủ sở hữu và lũy kế tăng rất lớn cho hãng bay.
Trong bối cảnh này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cần có các giải pháp tổng thể để đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
"Các giải pháp tái cơ cấu tài chính, nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là các giải pháp căn cơ, giải quyết được hai mục tiêu cho tổng công ty, đó là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu".
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình.
Bà Ngọc nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, tuy nhiên, giải pháp này chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp cho tổng công ty tạm thời có dòng tiền ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian ngắn.
"Khi năng lực tài chính của tổng công ty được cải thiện, Tổng công ty sẽ có nguồn lực dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững", đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đề án tổng thể sớm phục hồi và phát triển bền vững của Tổng công ty Hàng không Việt Nam được xây dựng từ đầu năm 2021 đến nay vẫn chưa được phê duyệt, theo báo cáo của Chính phủ nguyên nhân do nhiều vướng mắc, bất cập giữa một số văn bản quy phạm pháp luật.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm rõ các vướng mắc pháp luật và có đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phương án xử lý cụ thể, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án tổng thể để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay trong năm 2024.
"Đồng thời, Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp, cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, rà soát tất cả các quy trình hoạt động của từng khâu để cắt giảm tối đa chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn bay và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới", đại biểu Đặng Bích Ngọc
Đồng tình với việc gia hạn khoản nợ, ông Nguyễn Văn Thân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho biết Vietnam Airlines là đơn vị của Nhà nước, "con đẻ" và là thương hiệu của quốc gia cho nên bây giờ lỗ thì Nhà nước phải đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ nhiều thắc mắc.
Trong đó, một là, như đại biểu Ngân có nói là mua bán cổ phần, song lỗ thì các nhà đầu tư không mua, hoặc mua khi hạ cổ phiếu rất thấp và mua dưới mệnh giá.
Hai là, về phát hành trái phiếu. Trái phiếu đến ngày tháng mà không trả thì nhà đầu tư đòi lại và còn gây mất trật tự xã hội, họ cũng không mua khi doanh nghiệp đang lỗ.
Ba là, cũng phải lưu ý sau khi kiểm toán, Vietjet lãi 600 tỷ. Do đó, cần phải tìm hiểu nguyên tắc tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ. Do đó, chúng ta phải có giải pháp căn cơ, hiểu thấu đáo vấn đề.
SỚM PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG THỂ
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cũng thống nhất để tiếp tục cho hàng không có điều kiện ra tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình và các khoản nợ, có cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải tiếp tục tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp và công tác quản trị nhân lực. Trong bối cảnh tình hình làm ăn lỗ, lãi cũng phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong công tác quản trị và cân đối "thắt lưng, buộc bụng", phải cân đối lại các khoản chi phí làm sao phù hợp.
Đại biểu tỉnh Quảng Nam cho biết thêm các đại biểu Quốc hội bây giờ mới cầm được tài liệu, đọc không hết, đáng nhẽ phải chuẩn bị tài liệu trước nhưng vì cách làm, không hiểu tắc ở đâu. Trình như vậy dẫn đến tâm lý đại biểu không được thoải mái, còn tinh thần rất ủng hộ nhưng cần phải xem xét kỹ để có những phản biện, để có những góp ý, giải pháp thật tốt, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết về đề án tổng thể có 8 nội dung, còn 2 nội dung liên quan tới cơ chế, chính sách chưa thực hiện được.
Chính phủ tiếp thu ý kiến, sẽ tiếp tục chỉ đạo Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan phê duyệt đề án này.
Một số các nội dung còn lại phải xây dựng các phương án thực sự khả thi, hiệu quả để đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội và đặc biệt liên quan tới trách nhiệm và lời hứa trong việc tổ chức thực hiện, cải thiện tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh...