Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) bày tỏ lo ngại về tình hình sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông cho biết trong tháng 5 chỉ có khoảng 27.000 ôtô được xuất xưởng, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 5 năm tháng đầu năm, ôtô sản xuất trong nước đạt 133.600 chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ.
"Điều đáng lưu ý là thị trường tiêu thụ ôtô sụt giảm mạnh, dù ôtô đang được điều chỉnh giảm giá mạnh đồng loạt, có nơi giảm tới 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết. Song tình hình tiêu thụ rất hạn chế", đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu đánh giá các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
"Từ thực tế trên, trên tinh thần Nghị quyết 58/2023 của Chính phủ, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trong năm 2023. Đồng thời giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước trong năm nay và năm 2024", vị đại biểu đề xuất.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp các đơn vị dễ dàng tiếp cận vốn của ngân hàng.
Ông cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới.
Trước tình hình sụt giảm cả 3 tiêu chí bao gồm sức mua, sản lượng nội địa và số xe nhập khẩu của ngành ôtô tại Việt Nam trong giai đoạn đầu năm, nhiều cơ quan đã đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, đồng thời giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô nội địa.
Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ giảm thuế trước bạ, xem xét gia hạn chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
"Hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất. Bộ Công Thương nhận thấy năm 2020-2022 chúng ta đã áp dụng giảm thuế trước bạ, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp giảm giá bán, tiết giảm chi phí một cách rất nỗ lực nhưng vẫn cần thúc đẩy từ các cơ quan chức năng", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đứng trước sự sống còn. "Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, thì nhiều doanh nghiệp có thể không giữ ổn định được sản xuất", ông nhận định.
Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục thực hiện như đã từng thực hiện là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ. Có ý kiến cho rằng nếu giảm thì ngân sách gặp khó khăn về nguồn thu, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công Thương không đồng tình về ý kiến này.
"Thực tế năm 2021, khi giảm lệ phí trước bạ thì sản xuất kinh doanh được giữ vững và phát triển. Nguồn thu thuế vào ngân sách địa phương không những không giảm mà lại tăng lên. Qua báo cáo của Bộ Tài chính không những giảm mà còn tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó Bộ Công Thương tiếp tục ủng hộ việc này", ông Hải nhấn mạnh.