Anh Nguyễn Công Hậu (Hà Nội), chủ một đại lý kinh doanh ôtô đã qua sử dụng, cho biết số lượng xe cũ được bán ra gần đây giảm mạnh do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô ảm đạm và sự khó khăn trong quá trình đăng kiểm.
Xe đã nâng cấp kén người mua
Theo anh Hậu, trước đây khách hàng thường ưa thích các mẫu xe đã được nâng cấp, thay màu sơn. Nhưng hiện đa số người mua tìm những mẫu ôtô nguyên bản, còn mới để tránh gặp khó khăn khi đăng kiểm trong tương lai.
“Ngày trước khách hàng thích mua xe được độ sẵn, thay đèn LED hay gắn thêm cản sau/trước. Bây giờ xe phải về ‘zin', trang bị giữ nguyên bản khách mới chịu mua. Do tình hình đăng kiểm khó khăn, người mua cũng sợ mua ôtô cũ đã nâng cấp sẽ khó đăng kiểm", anh Hậu cho biết.
Từ đầu năm đến nay, anh Hậu phải xếp hàng đăng kiểm đến 5 lần cho những mẫu ôtô đã qua sử dụng đang chờ bán và gần đến hạn kiểm định. Trong bối cảnh đăng kiểm xe khó khăn như hiện tại, nếu người bán không làm đăng kiểm hộ, khách sẽ không mua.
“Tôi vừa xếp hàng chờ đăng kiểm chiếc Toyota Vios đời 2020 vào tuần trước. Xe cũ còn hạn kiểm định đến tận cuối tháng 4, nhưng bây giờ nếu không đăng kiểm khách hàng sẽ không dám mua", anh Hậu kể lại.
Anh Kim L. (Hà Nội) có tìm mua một chiếc sedan đã qua sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu gia đình. Sau khi cân nhắc nhiều ngày, anh L. quyết định “chốt" chiếc Honda City đời 2021 với giá 516 triệu đồng.
Tài xế này cho biết yếu tố tiên quyết trong quá trình tìm kiếm xe trên thị trường thứ cấp không chỉ liên quan đến số ODO mà còn là vấn đề về trang bị nguyên bản và giấy kiểm định.
“Ngoài tình trạng động cơ, số ODO, người mua ôtô cũ thời gian này cũng phải kiểm tra thêm về giấy đăng kiểm, trang bị xe có đảm bảo trùng khớp với thông tin trên giấy hay không. Nếu mua xe về đăng kiểm không được sẽ rất phiền phức", anh L. chia sẻ với Zing.
Giá xe cũ giảm mạnh
Không chỉ bị ảnh hưởng từ tình hình mạng lưới đăng kiểm phương tiện cơ giới đang quá tải, các cơ sở kinh doanh ôtô đã qua sử dụng còn đứng trước nguy cơ bị “hớ" giá, mua xe vào giá cao nhưng lợi nhuận bán ra không như mong đợi do nhu cầu thị trường thay đổi.
Trước Tết Nguyên đán, những mẫu xe ăn khách như Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Toyota Raize hay Kia Sonet đều rơi vào tình trạng khan hàng kéo dài, dẫn đến giá xe tăng cộng thêm mức “bia kèm lạc" dao động 50-200 triệu đồng.
Sau Tết, nguồn cung đã dồi dào, nhiều nhà sản xuất ôtô cũng áp dụng hàng loạt chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm, làm ấm lại thị trường xe Việt. Từ đó giá xe mới giảm mạnh ảnh hưởng đến mặt bằng giá của thị trường thứ cấp.
Trên một nền tảng mua bán xe trực tuyến, chiếc Ford Everest đời 2022 phiên bản dầu cao cấp được rao bán với giá chưa đến 1,1 tỷ đồng. Trong khi đó vào thời điểm cuối năm 2022, giá lăn bánh của mẫu xe này lên đến 1,82 tỷ đồng tùy vào nơi đăng ký.
Trước đó, anh Minh Thành, chủ cơ sở kinh doanh ôtô đã qua sử dụng tại quận 3 (TP.HCM), cũng nhận định tình hình mua bán xe cũ thời điểm này khá khó khăn. Người bán đôi khi phải chịu lỗ vì giá xe giảm mạnh.
“Khách thanh lý luôn muốn bán được giá cao vì họ mua xe chịu 'lạc', nhưng tôi thu vào thì không thể thu cao vì khó bán. Chi phí bảo dưỡng, lưu kho, chạy quảng cáo bán xe cũng khá lớn nên mùa này người bán ôtô cũ lời rất ít, đôi khi hòa vốn vì tính toán chưa kỹ”, anh Thành nói.