Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), top các công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm lớn nhất trên HoSE trong quý đầu năm lần lượt là VPS với 15,67%, SSI với 11,53%, VNDirect với 6,8%, HSC với 6,32%, Mirae Asset với 5,9%, VCSC với 5,13%,...
Hầu hết những tên tuổi này đều khá quen thuộc với nhà đầu tư khi luôn lọt top thị phần lớn nhất sàn chứng khoán trong nhiều quý trở lại đây. Tuy nhiên, đằng sau cuộc đua giành ngôi vương tại mảng môi giới trong nhóm chứng khoán có nhiều điểm chú ý. Không hẳn công ty chiếm nhiều thị phần đồng nghĩa doanh thu và lợi nhuận môi giới thu về sẽ lớn hoặc ngược lại.
Theo thống kê, tổng doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán trong quý 1/2023 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và xuống mức thấp nhất trong vòng 9 quý gần nhất.
Xét riêng từng công ty, công ty dẫn đầu thị phần là VPS tiếp tục dẫn đầu về doanh thu môi giới, tuy nhiên giảm 25% so với quý trước xuống mức 411 tỷ đồng - quý thứ 6 liên tiếp sụt giảm so với quý liền trước. Tương tự, những cái tên xếp sau trong danh sách thị phần đều chứng kiến mức sụt giảm về doanh thu môi giới từ 20% trở lên trong 3 tháng đầu năm 2023 so với quý trước, SSI đạt 257 tỷ đồng, VNDirect ghi nhận 146 tỷ đồng, HSC đạt 132 tỷ đồng trong khi Mirae Asset đạt 105 tỷ đồng.
Nguồn thu sụt giảm mạnh, biên lợi gộp môi giới của nhiều công ty đầu ngành bị co lại đáng kể. VNDirect giảm biên lợi nhuận môi giới từ mức 32% quý liền trước xuống còn 24%, HSC cũng giảm biên lãi gộp từ 30% xuống còn 25%. Thậm chí, Mirae Asset quý 4 trước đó vẫn còn lãi gộp thì tới quý 1 đã báo lỗ mảng môi giới, biên lãi hiện âm tới 19%, MBS cũng ghi nhận mức âm với mảng môi giới.
Ngay cả với trường hợp của TCBS, nhiều quý trước đó biên lãi gộp luôn được duy trì trên ngưỡng 80%, đồng nghĩa 10 đồng doanh thu ít nhất có 8 đồng lãi thực nhận, tuy nhiên trong quý 1/2023 con số này đã giảm về ngưỡng 74%, thấp nhất trong vòng nhiều quý cho thấy phần nào sự khó khăn của hoạt động môi giới.
Nguyên nhân cho sự đi xuống của hoạt động kinh doanh mảng môi giới chứng khoán
Một trong những nguyên nhân khiến biên lãi gộp hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán ngày càng thu hẹp đến từ mức độ cạnh tranh giữa các CTCK đang ngày càng gay gắt. Việc có thể "xưng vương" trong cuộc chiến giành thị phần môi giới cũng đồng nghĩa nhiều công ty chứng khoán phải bỏ ra nhiều chi phí để thu hút khách hàng. Cuộc chạy đua “zero fee” chưa hết nóng khi ngày càng có nhiều CTCK giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch, hậu quả khiến lợi nhuận bị bào mòn đáng kể, "mỏng như tờ giấy".
Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động môi giới cũng dần bị thu hẹp khi làn sóng nhà đầu tư mới hạ nhiệt và thanh khoản ngày càng ảm đạm. Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục giảm mạnh và chưa có dấu hiệu trở lại. Riêng trong 3 tháng đầu năm, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư chỉ hơn 139.000 tài khoản, mức thấp nhất nhiều quý trở lại đây. Thanh khoản nhiều phiên giao dịch chưa đầy 10.000 tỷ đồng.
Cần phải lưu ý rằng, không ít tài khoản chứng khoán sẽ rơi vào trạng thái “passive” do mở bị động. Khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng sẽ được các CTCK liên kết với ngân hàng mở tự động tài khoản chứng khoán trong khi không thực sự có nhu cầu giao dịch. Do đó, số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường có thể còn thấp hơn nhiều con số thống kê tài khoản mở mới. Mặt khác, không thể tránh khỏi việc có những nhà đầu tư rời bỏ thị trường sau giai đoạn khó khăn vừa qua.
Tại sao cuộc chạy đua giành thị phần môi giới vẫn vô cùng căng thẳng?
Mặc dù nguồn thu ngày càng thu hẹp và biên lợi nhuận gộp cũng đang mỏng dần tuy nhiên mảng nghiệp vụ môi giới vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Bởi, những lợi ích từ tệp khách hàng “khủng” có thể mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguồn thu phí giao dịch thông thường, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay margin. Thêm nữa, tệp khách hàng lớn cũng sẽ giúp các CTCK đưa các sản phẩm tiếp cận với nhà đầu tư dễ dàng hơn như quản lý tài sản, đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc các sản phẩm khác. Động thái mang tính đánh đổi doanh thu lấy tệp khách hàng và hướng đi này khiến cuộc đua giảm phí giữa các CTCK càng trở nên căng thẳng.
Cộng thêm đó là sự tham gia của nhóm CTCK ngoại với tiềm lực tài chính hùng hậu dự báo sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc. Nhóm này đang chứng tỏ không chỉ sở hữu tiềm lực mạnh mẽ mà còn đầy tham vọng tạo lập cuộc chơi mới và dẫn dắt thị trường, gia tăng sức ép lên các công ty chứng khoán nội địa. Bên cạnh những tên tuổi top đầu như Mirae Asset, KIS, KB Securities quen thuộc trong top 10 thị phần, một số công ty nhỏ hơn cũng đang dần vươn lên và ghi dấu ấn với nhà đầu tư như Pinetree, Shinhan Securities, NHSV, JBSV.
Trong đó, Công ty Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) là một thành viên cốt lõi của Công ty Đầu tư Chứng khoán NH Hàn Quốc thuộc Tập đoàn Tài chính Nong Hyup (NHFG) sau khi được mua lại cổ phần từ năm 2018. Kể từ đây, Chứng khoán NH Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn, uy tín và kinh nghiệm hơn 50 năm từ Tập đoàn Tài chính NH cũng như công ty mẹ.
NHSV dần thu hút lượng lớn khách hàng, kết quả kinh doanh cải thiện tích cực. Vốn chủ sở hữu tăng trưởng đều đặn, tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận lên mức 1.318 tỷ đồng, dư nợ margin trong thời kỳ đỉnh cao đã vượt mốc nghìn tỷ đồng. Không những vậy, các chính sách mở rộng tệp khách hàng cũng được tập trung, công ty còn triển khai phát triển các sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ nhằm đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Áp lực ngày càng tăng, một số CTCK đã mạnh dạn bỏ hoạt động môi giới bằng người, hạn chế mở rộng đội ngũ thay vào đó là giảm phí cho người dùng hay tập trung vào nâng cao chất lượng tư vấn, xây dựng hệ sinh thái gồm nhiều sản phẩm đa dạng. Đây có thể vẫn tiếp tục là xu hướng sắp tới tại mảng môi giới của các công ty chứng khoán.
Thêm nữa, giao dịch ảm đạm có thể chỉ là vấn đề ngắn hạn do ảnh hưởng của xu hướng tăng lãi suất và những hoạt động thanh lọc thị trường. Về cơ bản, chứng khoán được định hướng sẽ ngày càng trở nên phổ biến và số lượng nhà đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng là xu hướng tất yếu. Trong chiến lược phát triển chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030.
Rõ ràng, dư địa tăng trưởng trong dài hạn là rất lớn và việc định hình thương hiệu, gia tăng sự hiện diện ngay từ bây giờ là điều rất cần thiết đối với các CTCK. Đây cũng là lý do khiến cuộc đua giành thị phần môi giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt.