"Thấy quán đông khách, mình không muốn đến đâu. Nhưng đồ ăn ở đây phải nói là đỉnh của chóp".
Đó là một trong những câu mở đầu quen thuộc trên kênh ẩm thực của Thiên An (tên đã thay đổi). Vài năm qua, cô theo đuổi nghề reviewer, chủ yếu sản xuất định dạng video ngắn.
Trước đây, cô chỉ thường đăng tải clip hát, nhảy hoặc cuộc sống thường nhật để giải trí. Reviewer với 300.000 người theo dõi này chưa từng nghĩ mình sẽ kiếm được tiền nhờ mạng xã hội.
"Tôi đăng một video giới thiệu quán ăn và bất ngờ nhận được nửa triệu lượt xem và hàng nghìn chia sẻ, bình luận chỉ sau một đêm. Từ đó, tôi bắt đầu chăm chỉ đi ăn và làm nội dung thuộc lĩnh vực này", An chia sẻ với Zing.
Thu nhập khi làm Tiktoker
Khi tài khoản cán mốc 20.000 người theo dõi, trong một tháng, Thiên An được hơn 10 cửa hàng ngỏ ý mời hoặc trả tiền để cô dùng thử sản phẩm. Thời điểm đó, cô báo giá 10-15 triệu đồng cho một video review đăng lên trang cá nhân.
Hiện tại, với hơn 300.000 người theo dõi, mỗi video ăn uống dài 1-3 phút của Thiên An có giá 20-25 triệu đồng, chưa bao gồm thêm 10 triệu đồng phí sử dụng hình ảnh.
"Với các thương hiệu đồ ăn nổi tiếng, tôi sẽ lấy giá gấp đôi vì cần trả phí thuê ekip quay phim, dựng hình, trang điểm hoặc phục trang chứ không được 'ăn cả'", cô lý giải.
Còn với Bích Ngọc (tên đã thay đổi, 22 tuổi, Hà Nội), cô bắt đầu có thu nhập từ việc quảng cáo khi tài khoản mạng xã hội sở hữu 10.000 người theo dõi.
Ngọc không công khai báo giá của mình cho một video review ẩm thực trên trang cá nhân. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ lấy giá thấp hơn cho những quán vỉa hè, thông thường giảm 3-5 triệu đồng so với giá của nhà hàng lớn.
"Mỗi tháng, tôi có thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng", cô nói, thừa nhận thêm đây là con số khá cao so với bạn bè đồng trang lứa.
Trầy trật
Tuy nhiên, đối với Bích Ngọc, cô như đang chạy theo những luật chơi của nền tảng để giữ được thu nhập của mình. Mỗi ngày, cô ám ảnh với việc phải đăng ít nhất một video vào khung giờ "vàng".
Ngày nào không sản xuất kịp nội dung, cô hoảng hốt vì sẽ bị "bóp" tương tác vào những video sau, mất đi số lượng rất lớn người theo dõi.
"Nếu như bạn đi làm, phải thể hiện với sếp rằng mình chăm chỉ, thì tôi phải chứng minh điều này với một thuật toán. Thu nhập của tôi bấp bênh, không ổn định vì không thể liên tục chạy theo nó", cô chia sẻ.
Gần đây, Ngọc còn bắt đầu nhận thấy vấn đề về cân nặng và sức khỏe. Cô tăng cân không kiểm soát, thường xuyên gặp chứng trào ngược hoặc chướng bụng.
"Từ khi làm nghề này, mỗi ngày tôi ăn 4-5 bữa, cân nặng tăng rất nhiều so với trước đây. Mỗi lần review, nhà hàng sẽ mang ra nhiều món để quay hình cho đẹp. Tôi ăn hết số đồ ăn vừa nguội, vừa dầu mỡ, không còn chút vị ngon hay hứng thú nào", cô thở dài.
Trong khi đó, Thiên An lại rất căng thẳng và mệt mỏi mỗi lần nhà hàng mình quảng cáo gặp "phốt". Khi đó, cô sẽ là một trong những người bị dân mạng chửi bới nhiều hơn cả.
"Khi tôi nhận lời hợp tác, nhà hàng đó có dịch vụ khá tốt, đồ ăn vừa miệng. Nhưng sau đó, tôi không thể kiểm soát được họ có làm ẩu đi hay không. Một số dân mạng đến dùng bữa, cảm thấy không như ý, họ quay về chỉ trích tôi rất nhiều. Trước khi nổi tiếng, tôi chưa lường được kết cục này", cô nói.
Không những vậy, Thiên An còn chịu áp lực kép từ phía khách hàng - những nhà hàng, quán ăn mà cô làm việc.
Chi trả số tiền không nhỏ cho reviewer, họ yêu cầu cô phải nói nội dung như mình mong muốn, ít nhất là có hình ảnh món ăn bắt mắt.
"Tôi phải quay hình làm sao để từng thước phim lột tả được sự hấp dẫn của món ăn. Nếu quay xấu, tôi phải gọi ra đĩa mới, ăn đi ăn lại nhiều lần để có hình đẹp. Lúc này, đồ ăn ngon cũng khiến tôi ngán ngẩm", An tâm sự.
Không phải ai cũng dễ kiếm tiền
Tại Việt Nam, khi nền tảng video ngắn phát triển, các nhãn hàng, chủ cơ sở kinh doanh có thêm một kênh để quảng bá sản phẩm. Đây cũng là cơ hội cho nhiều KOL, KOC có được mức thu nhập hậu hĩnh nhờ việc nhắc tên, khen ngợi thương hiệu trong video của mình.
Chia sẻ với Zing, một agency trong lĩnh vực quảng cáo cho biết mỗi KOL, KOC có mức giá booking quảng cáo khác nhau tùy thuộc vào độ nổi tiếng và số lượng lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Ngoài giá booking, nhãn hàng phải chi trả thêm phí sử dụng hình ảnh dành cho việc quảng cáo, 5% phí môi giới và 8% thuế VAT. Ngoài ra, tổng chi phí có thể thay đổi nếu KOC phải tham gia dự án dài hơi và yêu cầu khó khăn.
"Báo giá của chúng tôi được tổng hợp dựa trên chia sẻ của KOL, KOC. Số liệu sơ bộ này chỉ có hiệu lực trong 15 ngày. Nhìn chung, khách hàng nên dự trù kinh phí thêm 40-50%", agency này cho hay.
Ví dụ, một hotgirl đang nổi tiếng với 6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội được agency báo giá quảng cáo là 60 triệu đồng/dự án, thêm 20 triệu đồng phí sử dụng hình ảnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhận được số tiền như trên. Một KOC ít tên tuổi hơn với 153.000 người theo dõi được báo giá 8 triệu đồng, kèm 2 triệu phí sử dụng hình ảnh.
Thậm chí, một số người mới vào nghề hoặc làm nội dung không tài trợ, trả phí, thường không thu được bất cứ lợi nhuận nào. Họ tự mình trả khá nhiều tiền cho những video đăng tải lên mạng xã hội.
Thanh Huyền (23 tuổi, quận 1, TP.HCM) dấn thân làm nghề reviewer ẩm thực hơn một năm qua. Cô đầu tư số tiền khá lớn mua máy ảnh, chân máy nhằm phục vụ việc quay hình. Tuy nhiên, đến hiện tại, cô không có thu nhập nào từ mạng xã hội.
"Mỗi tháng, tôi đều dành vài triệu đồng để chi trả cho một bữa ăn trong nhà hàng cao cấp, nơi giới trẻ quan tâm. Có video được lên trending, tôi có được khoảng gần 100.000 lượt xem, nhưng hầu hết bài đăng còn lại không có ai tương tác", Huyền nói.
Huyền cho biết thỉnh thoảng cô nhận được 1-2 lời mời trải nghiệm của các cửa hàng mới khai trương. Họ thường trả 400.000- 500.000 đồng/video review, một số nơi không trả phí mà chỉ mời dùng bữa.
Đối với Huyền, đây là số tiền kém xa so với kỳ vọng. Tuy vậy, cô vẫn chấp nhận để bù đắp lại chi phí đã dành ra cho thiết bị, máy móc.
Hay như Ngân Hạnh (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), với trang cá nhân có hơn 2.000 người theo dõi, cô thỉnh thoảng được một số quán ăn vặt gửi đồ để review. Tuy vậy, họ hiếm khi trả phí quảng cáo.
"Các cửa hàng này chỉ mời đồ ăn mà thôi, tuy vậy tôi vẫn hài lòng. Tôi không quá chăm chỉ đăng video, cũng ít nội dung giật gân, kịch tính. Làm KOC trong giới ẩm thực và kiếm thu nhập cao từ nghề này quả thật không dễ như nhiều người nghĩ", Hạnh tâm sự.
Theo The Take Out, sức ảnh hưởng của TikToker đối với hàng quán ăn là khá lớn. Kết quả khảo sát do công ty MGH Advertising công bố vào năm ngoái cho thấy 36% người dùng TikTok ghé đến hoặc đặt món ăn từ một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng.
Các thương hiệu lớn cũng chuyển sang TikTok để khởi động chiến dịch quảng bá và bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, đó cũng là mặt trái đối với một số doanh nghiệp.
“Ngành nghề này đã bão hòa hơn rất nhiều so với thời điểm tôi bắt đầu mở kênh review từ năm 2014. Khi đó, những người đánh giá về ẩm thực thật sự làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và có hiểu biết nhất định. Tôi nghĩ bây giờ nhiều người lập tài khoản chỉ để trục lợi từ sự phụ thuộc ngày càng lớn của hàng quán ăn vào reviewer”, Alexa Matthews, người chuyên đánh giá về các nhà hàng, nói.