Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Tổng cục Thuế với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức.
Theo Tổng cục Thuế, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…
Đáng chú ý, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới.
Vì vậy, sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số tiền khoảng 20 triệu USD.
Trong khi đó, số thu từ kinh doanh thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính thông tin: Từ năm 2018 đến ngày 14/07 đạt 5.458 tỷ đồng; tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong số đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.
Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Về quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số, số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu là 918 tỉ đồng. Số thu này tăng nhanh qua các năm, cụ thể năm 2019 chỉ khoảng 64 tỉ đồng, qua năm 2020 lên 237 tỉ đồng, 2021 lên 261 tỉ đồng và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 356 tỉ đồng.