Là nhà đồng sáng lập Apple, Steve Jobs luôn được nhớ đến là một bậc thầy diễn thuyết. Ông có biệt tài kể chuyện tài tình mà ít có CEO công nghệ nào làm được.
Không chỉ truyền tải thông tin đơn thuần, những câu chuyện của cố CEO còn truyền cảm hứng và thu phục khán giả. Nhiều người còn cho rằng thành công của Apple một phần đến từ kỹ năng diễn thuyết xuất sắc của Jobs.
Bí mật của Steve Jobs
Theo Inc, điều làm nên điểm ấn tượng trong các bài diễn thuyết của Steve Jobs không nằm ở sức hút của ông. Ngoài Jobs, có rất nhiều người thu hút khác nhưng ít ai giỏi diễn đạt và kể chuyện như ông. Trên thực tế, yếu tố khiến những bài thuyết trình của Jobs trở nên nổi bật chính là mọi chi tiết đều dung hòa và bổ trợ cho nhau để tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh.
Phần lớn sự kiện của Apple đều diễn ra giữa phông nền đen và một màn hình lớn đơn giản phía sau. Do đó, điều khán giả ấn tượng không phải là sân khấu hoành tráng hay phần trang trí lộng lẫy. Những video hay trang trình chiếu của Jobs cũng không có nhiều điểm nhấn. Mọi thứ đều dừng ở mức bình thường nhưng điểm đặc biệt nằm ở chỗ chúng đều hòa hợp và kết nối với nhau.
Để làm được điều đó, Steve Jobs đã khổ luyện suốt thời gian dài trước khi bước chân lên bục diễn thuyết.
Theo Inc, luyện tập thường là yếu tố bị nhiều người xem nhẹ. Họ nghĩ rằng những nhà diễn thuyết xuất sắc là những người đứng trước khán giả và khơi dậy cảm xúc của họ một cách tự nhiên. Nhưng tài năng thật sự là khi ta luyện tập nói trước sân khấu nhiều đến mức khán giả bên dưới không nhận ra rằng ta đã luyện tập.
Chìa khóa nằm ở sự khổ luyện
Trong cuốn sách Đến Apple học về sáng tạo, tác giả Ken Kocienda đã kể lại cách Steve Jobs chuẩn bị cho hội nghị MacWorld năm 2003 khi ông lần đầu tiên giới thiệu trình duyệt Safari.
“Ba tháng trước khi sự kiện diễn ra, Jobs đã bắt đầu luyện tập với các slide trình chiếu tại nhiều hội trường của Apple như Town Hall, ở trụ sở Cupertino. Ngày qua ngày, ông dần hoàn thiện bài diễn thuyết của mình”, Kem Kocienda viết.
Đây là một trong những bí quyết trở thành bậc thầy diễn thuyết của Jobs. Ông ấy đã khổ luyện, không ngại làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi bài thuyết trình trở nên hoàn hảo và ông thuộc lòng mọi chi tiết. Nhưng ngay cả khi đã xuất sắc, Jobs vẫn không ngừng luyện tập. Ông sẽ tiếp tục diễn thuyết như thể đang đứng trên sân khấu.
“Nói đến trang trình chiếu nào, ông ấy cũng đều đắm mình vào bài diễn thuyết và chăm chút từng chi tiết một. Tông giọng, dáng đứng, cử chỉ cơ thể đều phải chỉn chu như thể ông ấy đang đứng trước khán đài hàng trăm người nghe”, cựu kỹ sư phần mềm Ken Kocienda viết trong cuốn sách.
Chăm chút đến từng chi tiết
Dù mọi thứ đã đạt đến mức như ông ấy mong muốn, Jobs vẫn tiếp tục. Đến khi cần dừng lại, ông ấy sẽ “xả vai”, giảm âm lượng và hỏi những giám đốc ở dưới để biết rằng họ đánh giá như thế nào về những cụm từ ông dùng hay cách ông truyền đạt ý tưởng đã đủ mượt mà chưa. Sau khi nhận được góp ý, Jobs sẽ ngừng lại và cân nhắc trong vòng vài giây, sau đó quay trở lại bài thuyết trình của mình.
Cố CEO Apple chăm chút từng chi tiết, từng từ ngữ mà ông nói ra xem liệu nó có phù hợp với bài thuyết trình hay không. Những gì ông diễn thuyết trước đám đông không khác gì nội dung ông nói khi luyện tập một mình. Nhờ vậy, Jobs đã trở thành bậc thầy diễn thuyết ít ai sánh bằng.
Theo Inc, những người mà bạn luôn cho rằng họ giỏi ứng biến khi thuyết trình lại chính là những người khổ luyện nhất. Khi đã tập luyện đến một mức độ nhất định, họ sẽ diễn thuyết chân thật đến mức chẳng ai nghĩ rằng họ đã chuẩn bị từ trước.
Bên cạnh đó, khi đã luyện tập đủ nhiều, bạn sẽ không hoảng loạn khi gặp sự cố. Bạn biết rõ điều mình muốn truyền tải là gì nên chắc chắn sẽ đạt được nó ngay cả khi trang trình chiếu bất ngờ gặp lỗi, hệ thống âm thanh đột nhiên bị trục trặc... Luyện tập sẽ giúp bạn nhận ra cách để làm rõ quan điểm bản thân và sẵn sàng ứng biến khi cần.