Tại Trung Quốc, không có gì lạ khi một giám đốc điều hành mất tích vì đang bị triệu tập để điều tra. Nhưng sự mất tích bí ẩn của Bao Fan khiến ngành tài chính nước này "lạnh gáy".
Theo Bloomberg, khi China Renaissance Holdings thông báo với Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong về việc "không thể liên lạc với Bao Fan - cổ đông kiểm soát, Chủ tịch kiêm CEO của nhà băng", ngành tài chính Trung Quốc đã run rẩy. Nhiều người lo ngại đó là dấu hiệu của một cuộc trấn áp đối với lĩnh vực này.
Bao Fan là ai?
Tỷ phú Bao là một nhân vật quan trọng trong ngành công nghệ và tài chính Trung Quốc. Ông nổi tiếng nhờ từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán và sáp nhập phức tạp, bao gồm cả những thương vụ dẫn tới sự hình thành của hãng gọi xe công nghệ Didi Global hay Meituan.
Năm 2015, vụ sáp nhập giữa Didi và Kuaidi Dache - một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của hãng gọi xe vào thời điểm đó - được coi là thương vụ bom tấn.
Ông Bao từng làm việc cho Morgan Stanley và Credit Suisse Group. Vị tỷ phú được cho là người có quan hệ rộng nhất ngành ngân hàng Trung Quốc. Ông đã thành lập China Renaissance vào năm 2005.
Ngày 16/2, China Renaissance khẳng định hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi sự vắng mặt của ông Bao. Nhưng giá cổ phiếu của nhà băng này đã bốc hơi 50% ngay sáng hôm sau.
Theo nguồn tin của Bloomberg, gia đình ông Bao có khả năng liên quan đến cựu Chủ tịch China Renaissance Cong Lin. Ông này cũng bị triệu tập điều tra vào tháng 9/2022.
Vì sao ngành tài chính run rẩy?
Tại Trung Quốc, việc một chủ tịch đột ngột mất tích có thể là dấu hiệu cho một cuộc điều tra hoặc đợt chấn chỉnh mới của các cơ quan quản lý.
Người đó có thể vắng mặt để hỗ trợ điều tra, hoặc là đối tượng của một cuộc điều tra về tham nhũng hoặc tội phạm tài chính.
Theo Bloomberg, không lạ khi một giám đốc điều hành không liên lạc được vì đang bị triệu tập để điều tra. Hồi năm 2015, Chủ tịch Fosun Guo Guangchang đã biến mất một thời gian ngắn nhằm hỗ trợ một cuộc điều tra.
Ông đã xuất hiện trở lại sau đó và cam kết rằng doanh nghiệp sẽ không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.
Trong khi đó, doanh nhân Xiao Jianhua - người đứng sau đế chế Trung Quốc Tomorrow Holding - cũng mất tích bí ẩn tại khách sạn Four Seasons ở Hong Kong vào năm 2017. Thời điểm đó, theo nguồn tin của South China Morning Post và Tài Kinh, doanh nhân này đã bị đưa ra khỏi Hong Kong, quản thúc tại gia ở Thượng Hải và chờ ngày ra hầu tòa vì tội gian lận tài chính.
Đến tháng 8/2022, ông Xiao bị kết án 13 năm tù vì tội sử dụng trái phép các quỹ, hối lộ và những tội danh khác. Tòa án tại Thượng Hải cho biết ông và Tomorrow Holding đã “vi phạm nghiêm trọng trật tự quản lý tài chính” và “gây tổn hại đến an ninh tài chính quốc gia”.
Vào tháng 8/2018, tập đoàn điều hành sòng bạc Landing International Development cho biết Chủ tịch Yang Zhihui đã biến mất. Ông xuất hiện trở lại 3 tháng sau đó và giải thích rằng đang hỗ trợ chính quyền điều tra.
Nhưng đến tháng 11/2022, Landing cho biết đã đình chỉ chức vụ của ông Yang, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Kỳ hạn Hong Kong bắt đầu các thủ tục tố cáo ông này vi phạm những nhiệm vụ ủy thác liên quan đến các giao dịch kinh doanh.
Nhà đầu tư lo ngại
Khi các giám đốc điều hành và công ty bị nhắm tới, cổ phiếu sẽ lao dốc và nhà đầu tư chịu thiệt hại. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã sụt giảm mạnh sau khi tỷ phú Jack Ma gần như biến mất khỏi công chúng.
Việc ông Bao biến mất cũng làm dấy lên câu hỏi liệu ngành tài chính của Trung Quốc có sắp bị trấn áp hay không.
Vào cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn, nhắm vào lĩnh vực tài chính trị giá 60.000 tỷ USD của nước này. Hàng chục quan chức Trung Quốc đã bị kỷ luật.
Cuộc điều tra cũng nhắm vào các ngân hàng đầu tư và công ty môi giới, trong đó có Everbright Securities và Guotai Junan Securities.
Theo Bloomberg, năm nay, Trung Quốc đã sẵn sàng bổ nhiệm các quan chức - được biết tới với những chiến dịch chấn chỉnh gắt gao - đứng đầu các cơ quan giám sát ngân hàng và chứng khoán nước này.