Nhiều ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao
Sự thay đổi vị trí lãnh đạo chủ chốt trong HĐQT hay Ban Điều hành tại các ngân hàng TMCP hiện nay là khá phổ biến trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
“Ghế nóng” ngân hàng biến động khá sôi nổi
Cuối năm 2022, Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - mã chứng khoán: LPB) đã thống nhất bầu ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch HĐQT - làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 9/12/2022, sau khi đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Huỳnh Ngọc Huy được thông qua.
Cuối tháng 1/2023, tại kỳ họp Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) cũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Trong cùng ngày, ông Tùng cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng này kể từ 30/01/2023.
Cũng trong ngày 30/01/2023, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã chứng khoán: ABB), Hội đồng quản trị ngân hàng công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền Tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023. Ông Quân sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực ABBank.
Tiếp đến, tháng 4/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB – mã chứng khoán: SHB) đã bổ nhiệm thêm 2 Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải - những người từng giữ trọng trách thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc ngân hàng này.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán: MBB) đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị đối với ông Lê Hữu Đức theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời bầu ông Lưu Trung Thái làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024. Trước khi được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lưu Trung Thái giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB…
Sẽ tiếp tục biến động?
Nhìn nhận về làn sóng thay đổi “ghế nóng” tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm. Dự báo trong thời gian tới, làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục biến động.
Thực tế, sự thay đổi "ghế nóng" là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay. Các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng.
Sự thay đổi nhân sự ấy lại càng cần thiết để phù hợp với bối cảnh ngành ngân hàng đang phải nhanh chóng chuyển đổi số, nhiều áp lực cạnh tranh, trong khi lại đứng trước nhiều thách thức bởi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao khiến nhu cầu vốn giảm sút làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các nhà băng. Ngoài ra, những câu chuyện mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt như trái phiếu, bảo hiểm nhân thọ…cũng khiến các ông chủ nhà băng phải cân nhắc nhân sự phù hợp với “ghế nóng”.
Trong hệ thống ngân hàng, ngoài những cái tên kể trên có sự thay đổi về nhân sự cấp cao thời gian gần đây, thì Eximbank cũng là một nhà băng đáng chú ý. Trong giai đoạn từ 2018 cho tới 2022, nhà băng này đã có khá nhiều lần thay đổi nhân sự cấp cao. Tuy nhiên trong khoảng 1 năm trở lại đây, tình hình ở Eximbank đã ổn định trở lại, được biết Hội đồng quản trị của nhà băng này vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động cải cách minh bạch, hướng tới mục tiêu lựa chọn những nhân sự cấp cao phù hợp, đảm bảo đúng người, đúng vị trí và đúng thời điểm.
Làn sóng “trẻ hóa” nhân sự cấp cao
Trong làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng thời gian qua, có một đặc điểm chung là thế hệ trẻ đã nắm giữ nhiều hơn các trọng trách ở ngân hàng.
Chẳng hạn như tại MB, ban điều hành có nhiều thành viên là thế hệ 8X, trong đó có ông Tổng giám đốc sinh năm 1980. Tại VietBank có chủ tịch sinh năm 1983, tại NCB có quyền Tổng giám đốc cũng thế hệ 8X hay Phó chủ tịch của SHB sinh năm 1989. Ở Ngân hàng Bản Việt (BVBank) mới đây bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc mới cũng đều là những người trẻ.
Theo đánh giá của giới quan sát, sự “trẻ hóa” ở thượng tầng tại các ngân hàng thương mại hiện nay sẽ mở ra những cơ hội mới, mang tới một diện mạo mới cho ngành ngân hàng đầy màu sắc và sôi động.