"Lo lắng bị tổn thương phổi hậu Covid-19, mình đi khám sức khỏe tổng quát. Nhưng nào ngờ, mình lại bị máu nhiễm mỡ", anh Gia Bảo (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ.
Tương tự, anh Việt Đức (26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở TP.HCM) đi khám sức khỏe tổng quát vào đầu tháng 11 và nhận kết quả mỡ máu cao nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
Đây không phải là lần đầu tiên anh Đức mắc mỡ máu cao vì trong những năm qua, kết quả khám định kỳ của anh ở phần mỡ máu thường không ổn định. Có năm chỉ số mỡ máu của anh bình thường nhưng năm sau lại cao.
Rất khó để duy trì thói quen lành mạnh
Trước đây, trong lần đầu tiên nhận kết quả máu nhiễm mỡ, anh Đức khá sốc vì chiều cao và cân nặng của mình rất bình thường với 1,72 m và 65 kg. Bác sĩ khẳng định tình trạng của anh không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt.
Lúc đó, anh Đức có đăng ký tập gym nhưng với nhiều lý do mà chỉ tập được một thời gian thì bỏ ngang, chỉ tập trung công việc và thường thức khuya, có thời gian sẽ đi chơi thay vì tập luyện.
Anh thừa nhận việc duy trì thói quen lành mạnh như ngủ sớm và vận động thường xuyên không dễ dàng. Công việc của anh chủ yếu gắn liền với máy tính, phần lớn thời gian ngồi văn phòng và đòi hỏi giờ giấc linh hoạt nên thức đêm là chuyện bình thường.
Lần này, sau khi có kết quả khám tổng quát, anh Đức quyết định không đăng ký tập gym mà chỉ cố gắng chạy bộ 2 km/ngày vào buổi sáng hoặc chiều và điều chỉnh thói quen sinh hoạt.
"Mình thường thức đến 0h hay 1h sáng. Nhưng gần đây, mình cố gắng điều chỉnh dần với mục tiêu ngủ trước 23h", anh Đức chia sẻ.
Từ khi bị mỡ trong máu, anh Gia Bảo rất ít khi đi ăn ngoài và tham gia tiệc tùng với bạn bè. "Nửa năm nay, mình từ chối khéo khá nhiều 'cuộc vui' với bạn bè và đồng nghiệp. Mình nghĩ việc bị mỡ máu một phần cũng do mình thường ăn uống bên ngoài", anh Bảo cho biết.
Anh Bảo thường đi tập gym hay chạy bộ sau giờ làm, nhưng tần suất chỉ 2-3 buổi/ tuần. Từ lúc mắc mỡ máu cao, anh quyết tâm tăng thời gian tập lên 4-5 buổi/ tuần.
"Trong tuần đi làm khá mệt nên mình chỉ ưu tiên bài tập đơn giản và nhẹ nhàng như chạy bộ. Thay vì đặt mục tiêu chạy bao nhiêu km, mình cố gắng chạy đến khi nào cảm thấy mệt thì quay về. Cuối tuần, có nhiều thời gian hơn, mình sẽ đến phòng gym", anh Bảo chia sẻ.
Nhân viên văn phòng có nhiều nguy cơ mắc bệnh mỡ máu
Theo bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhân viên văn phòng có nhiều nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ vì thường ít vận động và một số người ăn vặt nhiều.
Ngoài ra, thói quen sau giờ làm việc như xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử khác, thức khuya, dậy muộn... cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu.
Trên thực tế, theo bác sĩ, người lao động cũng có khả năng mắc bệnh mỡ trong máu nhưng các bệnh khác có nguy cơ cao hơn.
Bác sĩ Dương cho biết để cải thiện và phòng tránh mỡ trong máu, mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý hơn và phải vận động nhiều hơn.
Đối với dân văn phòng, sau 30 phút đến một giờ làm việc cần đứng lên đi lại và bổ sung nhiều nước. Ngoài ra, ăn nhiều trái cây, rau xanh, giảm nội tạng động vật và tiết canh là điều cần thiết.
Chế độ tập luyện để kiểm soát bệnh máu nhiễm mỡ
Theo Cao đẳng Y khoa Thể thao Mỹ, chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp hoặc không kết hợp với thuốc điều trị có thể làm thay đổi hàm lượng chất béo của cơ thể.
Nhưng chúng mang lại kết quả cao hơn khi kết hợp với việc tập thể dục. Điều này không chỉ giúp chúng ta giảm mỡ mà còn giảm trọng lượng cơ thể.
Mỗi lần chúng ta giảm cholesterol "xấu" (hay được biết như LDL cholesterol) xuống 1%, chúng ta sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim 2-3%.
Cao đẳng Y khoa Thể thao MỸ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ) khuyến nghị người mắc rối loạn chuyển hóa mỡ nên tập ít nhất 150 phút/tuần bài tập aerobic cường độ trung bình, 75 phút bài tập aerobic cường độ cao hoặc kết hợp cả hai.
Họ cũng đề nghị tăng cường cơ bắp 2 lần/tuần. Ngoài ra, người tập có thể tuân theo nguyên tắc FITT (gồm mức độ thường xuyên, cường độ, thời gian và loại bài tập) để xây dựng cũng như thực hiện chương trình tập luyện an toàn, hiệu quả và thú vị.
- Mức độ thường xuyên: Tập luyện vào hầu hết ngày trong tuần nhưng ít nhất 3-4 ngày/tuần hoặc tối đa 5 ngày/tuần.
- Cường độ: Tập thể dục ở mức độ vừa phải. Bạn có thể sử dụng “bài kiểm tra nói” để đo cường độ tập luyện trong quá trình vận động. Ví dụ, mặc dù nhịp tim và nhịp thở tăng nhẹ, bạn vẫn có thể tiếp tục nói chuyện khi đi bộ với tốc độ vừa phải. Trái lại, khi bạn đi bộ nhanh hơn, bạn sẽ bắt đầu thở nhanh và khó nói chuyện. Tại thời điểm đó, bạn đạt được cường độ vừa phải hoặc “hơi nâng cao".
- Thời gian: Duy trì tập thể dục 30-60 phút/ngày. Bạn có thể thực hiện tất cả bài tập cùng lúc hoặc chia nhỏ thành một vài buổi, mỗi buổi ít nhất 10 phút.
- Loại bài tập: Thực hiện bài tập nhịp nhàng bằng cách sử dụng các nhóm cơ lớn. Bạn có thể thử đi bộ nhanh, đạp xe và bơi lội, tất cả đều hiệu quả cho việc giảm chất béo trong cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể đa dạng các bài tập tùy theo ngày hoặc theo mùa để giữ cho kế hoạch tập luyện thú vị hơn.
Nếu bạn không vận động trong thời gian dài, hãy bắt đầu với các buổi tập ngắn kéo dài 10-15 phút. Các buổi tập tiếp theo bạn có thể tăng thêm 5 phút, và tăng sau mỗi 2-4 tuần. Dần dần, bạn sẽ xây dựng được thói quen vận động 30 phút/ngày và hầu hết ngày trong tuần.
Tuy nhiên, nếu tập thể dục với cường độ cao, bạn khó có thể tập luyện trong thời gian dài. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ sử dụng tổng năng lượng ít hơn và nguy cơ bị thương cao hơn.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.