Phương Vy từng có nền tảng tập yoga truyền thống trong một thời gian dài nên mong muốn đổi sang hình thức "bay trên không". Cô nhận định tập yoga trên cao khó hơn nhiều lần, đòi hỏi kỹ thuật tập luyện chính xác, cần có người hướng dẫn chi tiết.
Do đó, cô lựa chọn học kèm 1:1 với huấn luyện viên để nhanh chóng làm quen với bộ môn này.
"Tôi thích cảm giác được bay bổng, chuyển động cùng dải lụa. Phương pháp tập luyện này giúp tôi dẻo dai hơn, cơ thể khỏe khoắn và tâm trí được thả lỏng. Tuy nhiên, tôi sẽ không duy trì tập luyện lâu dài vì tài chính có giới hạn", cô chia sẻ với Zing.
Mạnh tay chi tiền
Tương tự Phương Vy, Lệ Kiều (30 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng muốn thử sức mình với những bộ môn thể dục mới lạ ngoài gym, yoga hoặc chạy bộ. Cô bị thu hút bởi những video múa cột đầy gợi cảm được đăng tải trên mạng xã hội. Không chần chừ, cô quyết định tham gia vào một lớp học để thử sức mình.
Múa cột đòi hỏi người tập phải mặc đồ hở để tạo độ ma sát, tránh chấn thương. Tâm lý còn ngại ngùng, Lệ Kiều quyết định thuê cột và huấn luyện viên riêng, chấp nhận chi phí đắt đỏ.
Theo đó, cô cho biết giá tiền để tập 1:1 cùng huấn luyện viên là một triệu đồng/giờ. Mỗi tháng, cô chi trả 12 triệu đồng để duy trì cường độ tập luyện 3 buổi/tuần.
"Tôi chủ động tìm đến huấn luyện viên giỏi nhất của trung tâm. Trả tiền đắt gấp 5 lần chi phí học thông thường, tôi muốn mình có được kết quả tốt nhất", cô nói.
Huấn luyện viên giỏi luôn được học viên săn đón, vì vậy, Lệ Kiều phải phụ thuộc vào lịch trình làm việc được sắp sẵn.
Lịch tập sẽ được xếp trước vào mỗi tháng, huấn luyện viên sẽ phân chia thời gian dạy để không trùng lịch và đảm bảo đủ buổi tập như học viên mong muốn.
Điều này dẫn đến việc Lệ Kiều khó có thể thay đổi lịch đột xuất. Mỗi ngày có buổi tập, cô cố gắng hoàn thành nhanh công việc và tranh thủ đến lớp đúng giờ.
"Nếu có việc đột xuất phải nghỉ, tôi sẽ được học bù. Tuy nhiên, việc xếp lịch khá khó khăn do huấn luyện viên đã kín lịch từ trước", cô giải thích.
Bên cạnh yoga bay và múa cột, tập luyện pilates với nhiều máy móc đặc thù cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhận được nhiều sự chú ý. Người theo đuổi bộ môn này cần chi ra số tiền không nhỏ cho các buổi học.
Ái Vi (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu luyện tập pilates hơn 4 tháng qua. Trước đây, cô từng thử tập gym với mục tiêu giảm cân, tăng cơ, tuy nhiên không thể theo đuổi lâu dài do tập sai cách.
"Tôi không tập cùng huấn luyện viên thể hình nên cột sống bị ảnh hưởng. Tôi tìm đến pilates để cải thiện cột sống sau chấn thương và mong muốn chọn ngay một huấn luyện viên giỏi để theo sát ngay từ đầu", cô nói.
Số lượng học viên ngày càng tăng cao, các lớp học pilates luôn trong tình trạng quá tải. Ái Vi quyết định đặt lịch huấn luyện viên cá nhân để có trải nghiệm và kết quả tốt hơn.
Cụ thể, cô chi 12 triệu đồng cho 10 buổi tập riêng. Với gói tập này, trung tâm cho phép cô sử dụng toàn bộ máy tập cao cấp nhất.
Trước đó, cô phải chờ đợi phản hồi từ trung tâm để được tập với những huấn luyện viên hàng đầu, có bằng quốc tế và là người hướng dẫn cho nhiều ngôi sao, hoa hậu.
"Tôi hài lòng với số tiền đã chi trả vì không gian của trung tâm được bố trí cao cấp, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Tuy nhiên, do học viên đông, huấn luyện viên có giới hạn nên tôi phải cố gắng theo đuổi lịch học đã sắp xếp ngay từ đầu, khó đổi lịch đột xuất gây ảnh hưởng đến những người khác", cô tâm sự.
Trải nghiệm hay gắn bó?
Khi theo đuổi những bộ môn như pilates, yoga bay hay múa cột…, học viên đều cần có người hướng dẫn, hỗ trợ. Bất cứ một sai sót nào diễn ra trong quá trình tập luyện cũng có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những bộ môn này đòi hỏi học viên phải đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian và sự kiên trì. Sau vài tháng luyện tập, mỗi người đều có những quyết định khác nhau khi phải cân nhắc gắn bó hay theo đuổi lâu dài.
Phương Vy lựa chọn tập yoga bay 1:1 cùng huấn luyện viên người Ấn Độ. Cô cho rằng đây là khoản đầu tư chính đáng với bài tập cũng được thiết kế riêng cho người mới bắt đầu hoặc nâng cao. Cô đánh giá cao việc học riêng giáo viên bởi được chăm sóc tận tình và kiên nhẫn hơn.
Tuy nhiên, cô cho biết chỉ học thêm 1-2 khoá rồi ngưng hẳn.
"Tôi nghĩ trải nghiệm như vậy là đủ. Tôi sẽ quay lại tập yoga truyền thống để tiết kiệm hơn, cũng không cần tập kèm 1:1 nữa".
Tương tự, Ái Vi cho biết sẽ chuyển sang lớp học pilates đông người thay vì thuê huấn luyện viên cá nhân. Điều này giúp cô tiết kiệm chi phí, đồng thời không gặp bất tiện khi phải theo đuổi lịch học khắt khe.
"Tôi mong muốn gắn bó lâu dài với pilates, nhưng sẽ phù hợp hơn nếu học lớp tập thể. Khi đó, nếu lỡ mất lịch học, tôi có thể dễ dàng học bù với lớp khác", cô nói.
Trong khi đó, Lệ Kiều lại xác định theo đuổi bộ môn múa cột lâu dài cùng huấn luyện viên cá nhân. Với cô, trải nghiệm này đau và đắt đỏ, nhưng rất xứng đáng.
"Tôi thấy sự tự tin và yêu cơ thể của mình hơn sau mỗi lần xem lại clip luyện tập. Bạn bè nhận xét tôi mềm mại, dẻo dai hơn rất nhiều", cô nói.
Thời gian tới, Lệ Kiều đầu tư lắp đặt cột tại nhà để dễ tập luyện và tạo cảm giác riêng tư hơn.
Huấn luyện viên đắt sô
Joy Phạm - huấn luyện viên tại một trung tâm pilates tại TP.HCM, cho biết thời gian qua cô luôn tất bật với số lượng học viên gia tăng nhanh chóng. Nhóm khách hàng trẻ tuổi của cô đều có yêu cầu, tiêu chí rõ ràng cho trung tâm. Họ cũng không ngần ngại tìm hiểu rất kỹ về chất lượng của người dạy.
Học 1:1 với huấn luyện viên, học viên sẽ được soạn giáo án riêng để cải thiện các vấn đề thể chất như gù lưng, đau lưng, bàn chân bẹt… Các học viên cũng có thể thoải mái hỏi và chia sẻ với giáo viên khi cần thiết. Joy Phạm nhận định đây là lý do chính thu hút mọi người đồng hành và đầu tư cho việc tập luyện này.
"Tôi nhận được khá nhiều câu hỏi xuyên suốt buổi tập như tại sao lại tập động tác này, nó có ích gì, những nhóm cơ nào sẽ ảnh hưởng… Việc học viên chịu khó tìm hiểu khiến tôi cảm thấy rất vui", Joy Phạm cho biết.
"Tôi cũng cố gắng sắp xếp lịch học sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng học viên và hỗ trợ thay đổi lịch khi các bạn cần, mặc dù việc này sẽ ảnh hưởng đến lịch trình trong tuần của tôi", cô nói thêm.
Tương tự như Joy Phạm, Thiên An, huấn luyện viên bộ môn múa cột tại TP.HCM, cho biết số lượng học viên quan tâm, đăng ký học của mình ngày càng đông. Các trung tâm cũng đang cố gắng mở rộng quy mô phòng tập để đáp ứng nhu cầu của học viên.
"Chúng tôi liên tục tìm kiếm các giáo viên dạy múa cột chuyên nghiệp về dạy. Các giáo viên khi tham gia dạy tại trung tâm đều trải qua bài kiểm tra về các kỹ năng giảng dạy, trình độ chuyên môn".
Thiên An cho biết thêm múa cột là bộ môn khó, nếu không có sự sát sao hỗ trợ từ giáo viên, học viên dễ bị chấn thương và tâm lý dễ nản.
"Tôi nghĩ điều kiện học 1:1 bao giờ cũng tốt hơn học lớp đông người, giáo viên dạy sẽ dễ theo sát, đánh giá và giúp học viên đạt kết quả tốt nhất", cô tâm sự.
Trào lưu tập luyện toàn cầu
Dựa trên thống kê của Google Trends kết hợp với các công cụ nghiên cứu từ khóa năm 2020, bộ môn múa cột giữ sức hút từ năm 2010 đến 2020, đứng thứ hạng 3/15 xu hướng thể hình được quan tâm nhiều nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, vị trí 4 và 6 là các từ khóa liên quan tới yoga và pilates.
Theo các nhà nghiên cứu, thị trường pilates và các thể loại yoga bắt đầu tăng giá trị chóng mặt từ năm 2019, chạm mức 116 tỷ đô vào năm 2020 và dự kiến đạt ngưỡng 277.62 tỷ đô trong năm 2028.
Xu hướng tập luyện bằng những phương pháp mới mẻ này đang cũng khuấy đảo tại Hàn Quốc. Hình ảnh hàng loạt các ngôi sao xứ kim chi như BLACKPINK, Son Ye Jin lan tỏa làn sóng rèn luyện thể hình với những điều kiện cao cấp nhất khiến người trẻ thích thú.
Theo số liệu của chuỗi phòng tập cao cấp Planet Fitness tại Mỹ, người trẻ tại đây đến phòng tập tăng nhiều trong khoảng đầu năm 2022. Tổng doanh thu tăng 37,3% lên 183,6 triệu USD.
Các gói tập cao cấp như pilates được Gen Z và Millennials rất ưa chuộng, tỉ lệ hội viên quan tâm tới dịch vụ này tăng 62,5%. Khách hàng trẻ đề cao những đặc quyền như phòng tập công nghệ cao, lịch trình linh hoạt và được hướng dẫn theo yêu cầu cá nhân.