Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 29/11, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent (chuẩn toàn cầu) đã tăng vọt 2,5% từ hơn 81 USD/thùng lên 85,6 USD/thùng. Mỗi thùng dầu WTI cũng tăng 2,069 USD, tương đương 2,72%, lên 79,339 USD.
Giá dầu thô thế giới đã bật tăng từ đáy 10 tháng. Hôm 28/11, giá dầu Brent rơi một mạch từ gần 87 USD/thùng xuống hơn 81 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1. Còn giá dầu WTI mất 2,173 USD/thùng, tương đương 2,85% chỉ sau một ngày.
Giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng giới chức Bắc Kinh nới lỏng các yêu cầu chống dịch gắt gao nhằm xoa dịu người dân. Vài ngày qua, tình trạng bất ổn xã hội tại Trung Quốc đã đè nặng lên thị trường dầu và chứng khoán.
Nhưng giới đầu tư đã sớm lấy lại sự lạc quan. Đầu phiên giao dịch ngày 29/11, chỉ số Hang Seng China Enterprises đã tăng 2,8%. Dẫn dắt đà tăng là nhóm cổ phiếu bất động sản với Country Garden Holdings và Longfor Group Holdings. Đồng nhân dân tệ cũng mạnh lên so với đồng USD.
Đặt cược vào việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách
Giá dầu Brent đã giảm 4 ngày liên tiếp do tình hình dịch bệnh và các chính sách chống dịch gắt gao tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Những ngày qua, Trung Quốc liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục. Theo New York Times, ít nhất 49 thành phố của Trung Quốc, nơi sinh sống của khoảng 1/3 dân số, đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn.
Những siêu đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh gần đây đều thắt chặt hạn chế. Giới quan sát cho rằng các hoạt động kinh tế bị gián đoạn hoặc sụt giảm sẽ kéo nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân đi xuống.
Tuy nhiên, giới đầu tư đang đặt cược vào kịch bản giá dầu đi lên khi giới chức Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch.
Bắc Kinh vẫn chưa từ bỏ chiến lược Zero-Covid. Nhưng vào đầu tháng này, Trung Quốc thông báo điều chỉnh lại các chính sách phản ứng với đại dịch nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế - xã hội. Theo AP, nước này đã cắt giảm thời gian cách ly tập trung đối với khách quốc tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Cuộc họp sắp tới của OPEC+
Giới quan sát cũng chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) vào ngày 4/12. Nhóm này dự kiến thắt chặt nguồn cung để duy trì giá dầu ở mức cao.
Cách đây hơn một tháng, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn. Cụ thể, OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng dầu/ngày.
Nói với Zing, ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
Những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu thế giới muốn giữ giá dầu ở mức cao. Theo Reuters, quyết định của OPEC+ có thể được đưa ra dựa trên tính toán của đội ngũ kỹ thuật của nhóm.
Theo đó, thị trường dầu thô toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thừa cung khoảng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, trước khi thiếu hụt 300.000 thùng/ngày vào năm sau.
Giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. Đại diện của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về đề xuất của G7 nhằm đặt mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo Reuters, con số này dường như quá thấp đối với một số nước, trong khi lại quá cao với nhiều quốc gia thành viên khác.
Theo ông Erlam, các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục. "Tuy nhiên, kế hoạch giới hạn giá dường như không gắt gao như ý định ban đầu, thậm chí có thể không tạo ra bất cứ tác động nào", ông nói thêm.
Theo ông, nếu mức giá trần chỉ là 70 USD/thùng, mối đe dọa đối với sản lượng dầu của Nga sẽ là rất nhỏ. Bởi dầu Nga hiện đã được giao dịch quanh mức này.