Kinh tế tăng trưởng khá trong nửa đầu năm nay nhưng chỉ số VN-Index vẫn đang giảm sâu và giao dịch không mấy tích cực, theo ông đâu là nguyên nhân?
Giới đầu tư vẫn lo ngại từ những yếu tố bên ngoài như tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); hay xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu lên cao, khiến lạm phát khó hạ nhiệt. Một vấn đề nữa là Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero-Covid”, khiến chuỗi cung ứng đứt quãng, nguồn cung sụt giảm, càng khiến lạm phát tiếp tục ở mức cao.
Kinh tế Việt Nam ổn định nhưng cũng phụ thuộc vào xuất khẩu tới các quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu… Khi kinh tế các quốc gia này bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng lãi suất, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Những yếu tố này khiến tâm lý NĐT khá thận trọng. Về mặt kỹ thuật, kinh tế sản xuất hồi phục trở lại kể từ quý IV/2021 do đó dòng tiền từ NĐT, doanh nghiệp có khuynh hướng rút khỏi thị trường chứng khoán và đổ vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, một tác động khác đến từ việc nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng mạnh cổ phần trong hai năm vừa qua. Thống kê cho thấy, số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chào bán giai đoạn 2021-2023 vào khoảng hơn 20,5 tỷ đơn vị, trong đó riêng thực hiện năm 2021 đã là 19,87 tỷ đơn vị. Rõ ràng lực cầu vẫn chưa thể hấp thụ ngay lượng cổ phiếu khổng lồ mới phát hành thêm, nên thị trường chứng khoán vẫn chưa thể ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng P/E thị trường Việt Nam đang ở mức rẻ, tuy vậy chỉ số VN-Index vẫn giảm mạnh, ông có thể lý giải vì sao?
Chỉ số chính giảm bất chấp P/E thấp - P/E là hệ số tính bằng giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần (EPS) nhiều khả năng do NĐT lo ngại phần EPS hay lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra, có thể thấp do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế như đã phân tích ở trên. Về nguyên tắc, khi EPS giảm, P/E sẽ tăng và định giá thị trường trong tương lai sẽ không còn hấp dẫn. Dù vậy, hết quý I/2022, P/E của VN-Index vẫn chưa bị ảnh hưởng và dao động ở mức khoảng 11 lần. Xu hướng của các chỉ số này cho thấy trong bối cảnh tiêu cực vẫn xuất hiện những đánh giá có chiều hướng tích cực từ phía NĐT và họ đang tiếp tục nghe ngóng thị trường.
Theo ông, đâu sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2022?
Về mặt tích cực, định giá VN-Index đang ở mức thấp, thực tế, từ năm 2013 trở đi, chúng ta đã có hai lần P/E dưới mức 12 lần là năm 2016 và năm 2020. Sau những lần đó thị trường chứng khoán đều hồi phục mạnh và hiện là lần thứ ba chỉ số chứng khoán đang ở vùng này. Tôi nghĩ thị trường có cơ hội hồi phục và đây là cơ hội giải ngân với những NĐT có tầm nhìn dài hạn, hướng đến chiến lược lâu dài.
Các lý do để có thể nhận định tích cực là lạm phát và lãi suất ở Việt Nam không có chiều hướng tăng mạnh như các quốc gia khác. Hiện tại, chúng ta có các công cụ điều hành để đảm bảo lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Việt Nam thậm chí còn chưa thực hiện các chính sách kích thích tiền tệ quá mạnh.
Ngoài ra, tỷ giá cũng khá tích cực, đồng USD đang tăng mạnh trên thị trường quốc tế đã làm nhiều đồng tiền như Yên Nhật, Nhân dân tệ suy yếu, nhưng VND của chúng ta đang khỏe hơn, với mức giảm giá dưới 2% (trong 5 tháng đầu năm 2022) khả năng có thể giảm giá thêm 1%, nhưng mức đó vẫn là rất thấp trong bối cảnh chung. Vì điều này, tôi nghĩ so với các thị trường mới nổi và cận biên, áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ không lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng từ việc vốn ngoại rút ròng. Thực ra, lạm phát và lãi suất sẽ tác động theo cả hai chiều tích cực - tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở trường hợp dự báo lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất, thị trường chứng khoán sẽ ít chịu áp lực. Ngược lại, thậm chí ở viễn cảnh suy thoái, lãi suất tăng mạnh, thị trường sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ông có khuyến nghị NĐT không?
Mỗi khi Fed tăng lãi suất, thông thường thị trường chứng khoán sẽ giảm trung bình từ 10% - 20% và mất khoảng hai tháng để về lại đỉnh cũ. Với định giá thị trường hiện tại, P/E ở mức khoảng 12 lần, P/E khoảng 8%, tính ra là cao hơn lạm phát (dự kiến năm 2022 khoảng từ 4% - 4,5%). Tôi cho rằng thị trường chứng khoán có thể phục hồi với kịch bản tương tự giai đoạn 2018 - 2019, tức là lình xình, đi ngang và về lại vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên, VN-Index có thể chỉ quay lại mức 1.500 điểm như đã thiết lập hồi đầu năm, khó có thể lên mức như kỳ vọng là khoảng 1.600-1.800 điểm.
Mặt khác, dù thị trường biến động mạnh, cơ hội kiếm tiền vẫn có, chỉ là không dễ như các năm trước. NĐT nên dự đoán và đi tìm các nhóm ngành định giá thấp để giải ngân, thay vì dự đoán mức điểm số của VN-Index. Dựa vào định giá, tôi khuyến nghị nên chọn nhóm ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế, như thực phẩm, bán lẻ, điện nước, hóa chất.
Xin cảm ơn ông!