Với các bậc cha mẹ, giải đáp những câu hỏi của con trẻ là việc làm thường xuyên khi các bé đang ở độ tuổi tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh. Có những câu hỏi của con làm khó cả phụ huynh. Những vấn đề về tiền và cách chi tiêu hợp lý là một trong số đó.
Bộ sách song ngữ Anh - Việt Dạy con tài chính có thể giúp cha mẹ tham khảo về cách dạy con. Cuốn sách được đề cử trao giải tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, năm 2021.
Dạy trẻ sử dụng tiền hợp lý
Bộ sách Dạy con tài chính gồm 6 tập, dành cho độc giả từ 3-15 tuổi. Với những chủ đề khác nhau, các tập sách đề cập nhiều câu chuyện, tình huống cụ thể mang tính trực quan, sinh động cho trẻ dễ tiếp cận. Sách do tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang và Ngô Thị Thanh Tiên viết lời, Hồ Thị Mỹ Anh minh họa và Nguyễn Thị Tâm Thi chuyển ngữ.
Không tránh né vấn đề sở hữu, sử dụng tiền của con cái, các tác giả giải quyết trực diện những câu hỏi liên quan tiền của trẻ nhỏ như: "Nhà mình giàu hay nghèo hở mẹ?", "Ba ơi, cho con tiền tiêu vặt đi ba"... với quan điểm "giúp con có thái độ đúng đắn với tiền bạc, có tính kỷ luật khi chi tiêu, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với gia đình, cộng đồng và xã hội".
Theo TS Lê Thị Linh Trang, nghiên cứu cho thấy trẻ từ 3-4 tuổi đã có khả năng nắm bắt khái niệm cơ bản về tiền. Trẻ 7 tuổi đã hình thành ý niệm liên quan hành vi tài chính trong tương lai. Bởi vậy, thay vì tránh né, cha mẹ nên khéo léo dạy những kỹ năng tài chính giúp trẻ chủ động trong nhận thức và hành động.
Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhất, Dạy con tài chính hướng vào câu chuyện trẻ biết dùng tiền lì xì qua nhân vật bé Bo. Thay vì chiều theo mong muốn của Bo thích mua robot, mẹ hướng cậu bé tiết kiệm cho tương lai, cho việc chi tiêu hợp lý, giúp người gặp khó... Ý nghĩa của lì xì qua đó cũng đậm nét hơn trong trẻ.
Qua cuốn sách, trẻ cũng được ba mẹ dạy việc trân trọng đồng tiền mình có, biết cách kiếm tiền qua những việc nhỏ để hiểu giá trị sức lao động.
Học cả "cái tâm" liên quan tài chính
Đọc 6 tập truyện Dạy con tài chính, trẻ nhỏ không chỉ được dạy cách sở hữu, dùng tiền hợp lý, đúng độ tuổi của mình, mà qua những tình huống đan cài tự nhiên, các em còn được dạy cả cách làm người trong sở hữu, chi tiêu tài chính.
Bé Bo khi đã hiểu về cách sử dụng tiền hợp lý, đã ý thức đúng trong việc cùng lớp đóng góp tiền giúp đỡ gia đình bạn học gặp khó khăn như lời cô giáo dặn dò: "Cô không quan trọng là các em đóng góp nhiều hay ít, miễn là các em luôn hướng về bạn, mong những điều tốt đẹp đến với bạn".
Lúc này, đồng tiền không chỉ thể hiện mặt giá trị vật chất, các em còn cảm nhận được giá trị tinh thần từ tấm lòng của mình.
Trong phạm vi gia đình, bé cũng được dạy bảo một cách tự nhiên về việc chia sẻ tài chính qua suy nghĩ, hành động của bé Bông. Em biết tiết kiệm tiền mua đồ ăn vặt khi gia đình sử dụng một khoản để đi picnic. Trẻ đã được dạy cách dùng tiền tiết kiệm, hợp lý qua hành động cụ thể.
Với những tình huống, câu chuyện được đan cài một cách tự nhiên và thường gặp trong cuộc sống, nắm bắt tâm lý phù hợp độ tuổi của trẻ, các tác giả giải quyết thấu đáo những vấn đề cơ bản liên quan tài chính thường gặp ở trẻ. Nhờ đó, việc sử dụng thẻ ATM, mở tài khoản ngân hàng cho trẻ, tích lũy tiền cho tương lai... và cả cái tâm, trách nhiệm trong vấn đề tài chính được thẩm thấu vào ý thức của trẻ khi đọc Dạy con tài chính.