Sở hữu số lượng quần áo cũ lớn, Nhật Vy (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) nghĩ đến việc thanh lý để giải phóng tủ đồ, đồng thời kiếm lại một chút tiền.
Ban đầu, cô cho rằng việc “pass đồ” (thanh lý, nhượng lại đồ) không khó, chỉ cần tìm đến những hội nhóm mạng xã hội hoặc cửa hàng chuyên nhận ký gửi.
Tuy vậy, cô lại từng bị bom hàng, thậm chí suýt lừa tiền.
“Việc pass quần áo không hề dễ dàng. Thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý vô tư của những người không có kinh nghiệm buôn bán như tôi”, cô kể lại cùng Zing.
Tìm cách ‘tống khứ’ đồ cũ
Là một tín đồ mua sắm, Nhật Vy thường chi phần lớn thu nhập cho quần áo, phụ kiện. Cứ xu hướng thời trang nào mới ra, cô đều mua đồ mới để ứng dụng, bao gồm cả sản phẩm từ cửa hiệu đắt tiền cho đến hàng bình dân từ sàn thương mại điện tử.
Nhận thấy tủ đồ của mình luôn trong tình trạng ùn ứ, mất thẩm mỹ, khó tìm quần áo khi cần, cô bắt đầu tìm cách thanh lý.
“Tôi lên mạng xã hội tìm các hội nhóm chuyên bán đồ cũ. Có những nhóm thu mua lại các sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu, nhưng cũng có nhóm chỉ chuyên dành cho sản phẩm xa xỉ hoặc đồ local brand (tạm dịch: thương hiệu trong nước). Mỗi nhóm đều có hàng chục nghìn thành viên, mọi người tự do mua, bán hoặc trao đổi”, Nhật Vy giải thích.
Trong một nhóm pass quần áo mà Nhật Vy tham gia, cô nhận thấy những sản phẩm có hình ảnh chỉn chu, độ mới cao, thuộc thương hiệu nổi tiếng sẽ được khách hàng săn đón, dễ dàng “chốt” đơn.
Vì vậy, cô dành cả một ngày cuối tuần để xáo trộn tủ đồ, chọn ra các sản phẩm tốt để ủi phẳng, treo lên móc, chụp ảnh, căn chỉnh rồi mới đăng lên rao bán.
“Nhưng bài đăng có được duyệt ngay hay không còn tùy thuộc vào ‘duyên số’. Có khi cả một tuần lễ, quản trị viên nhóm mới duyệt đăng bài của tôi”, cô kể.
Tương tự Nhật Vy, Minh Nghi (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho rằng việc “tống khứ” quần áo cũ sao cho hiệu quả, không lãng phí cũng là một bài toán khó.
Tháng trước, cô vừa mua một chiếc váy thiết kế cắt xẻ có giá hơn 2 triệu đồng. Sau khi hẹn hò với người yêu tại một nhà hàng, chụp bức ảnh đẹp rồi đăng tải lên mạng xã hội, cô cất sâu chiếc váy vào tủ. Cô thừa nhận nhiều năm qua, bản thân luôn mua sắm và sử dụng quần áo theo cách đó.
“Mua - mặc - chụp ảnh - bán lại rồi tiếp tục mua, tôi lặp đi lặp lại vòng tròn đó. Căn phòng với diện tích eo hẹp không thể chất chứa nổi quần áo của tôi. Tháng nào tôi không thanh lý, chắc chắn mọi thứ rất ngổn ngang", vừa nói, Minh Nghi vừa chỉ tay vào tủ quần áo đang mở toang cánh, bên trong là mớ đồ chất cao đang chờ chủ nhân mới.
Mỗi tháng, nhân viên này đều mua quần áo, váy đầm, phụ kiện mới. Trong đó, một vài sản phẩm giá 3-4 triệu đồng, còn phần lớn là đồ thuộc phân khúc rẻ hơn, dao động 500.000-800.000 đồng/món.
“Tháng trước, tôi mua 3 chiếc váy cùng lúc, tiêu tốn gần 5 triệu đồng chỉ trong một ngày”, cô tâm sự.
Khi tìm cách thanh lý đồ, Minh Nghi cho rằng mình có lợi thế khi toàn sở hữu quần áo từ local brand hoặc thương hiệu có tiếng. Các món đồ cô mua cũng đều là mốt đang thịnh hành. Đây chính là những yếu tố khiến khách mua ưu tiên, yêu thích.
“Không chỉ thanh lý trên các hội nhóm, tôi còn lập riêng một tài khoản mạng xã hội để đăng bán lại những món đồ thời trang của mình. Tuy nhiên, trang của tôi ít lượt tương tác, hiệu quả bán hàng thấp khiến tôi có phần chán nản”, cô bày tỏ
Khác với Nhật Vy và Minh Nghi, Tiên Nguyễn (25 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) từ bỏ việc thanh lý đồ trên mạng xã hội, cho rằng cách làm này không mấy hiệu quả bởi phải chờ đợi lâu, mất công chụp ảnh và thời gian tư vấn, trả lời khách hàng.
“Sau khi tôi đăng bài pass đồ, nhiều người liền vào hỏi xin ảnh thật, yêu cầu kiểm tra hóa đơn mua hàng hoặc mặc cả, trả giá… Việc trả lời những thắc mắc như vậy tốn rất nhiều thời gian. Nếu chờ đợi đến khi tôi hoàn thành công việc tại công ty, quay lại nói chuyện với khách, họ không còn muốn mua hàng nữa rồi”, cô kể lại.
Thay vào đó, Tiên Nguyễn quyết định mang quần áo cũ của mình đến các cửa hàng ký gửi để được hỗ trợ giặt ủi, chụp ảnh, tư vấn khách hàng.
Điều này đồng nghĩa cô chấp nhận chiết khấu khá cao và người bán cũng không thể để giá sản phẩm theo ý mình.
Khách bom hàng, suýt lừa tiền
Đến hiện tại, sau vài tháng, Nhật Vy vẫn chưa thể bình tĩnh khi nhắc lại sự cố đăng bán đồ thanh lý và suýt bị kẻ gian lừa đảo, trục lợi.
Theo đó, một lần, cô đăng bài bán số lượng lớn quần áo cũ. Bài vừa đăng không lâu, một người nhắn tin cho biết muốn mua một lúc toàn bộ sản phẩm
Khi cô gửi số tài khoản để thanh toán, người này cho biết mình chỉ có sẵn tiền USD trong ngân hàng. Nhật Vy được yêu cầu phải đăng nhập vào một đường link do người này cung cấp để “đổi từ USD sang VND”.
Để Nhật Vy thêm tin tưởng, người mua tiếp tục gửi hàng loạt hình ảnh chứng minh đã mua, bán thành công bằng hình thức giao dịch qua ngân hàng nước ngoài này.
Cảm thấy có điều bất thường, Nhật Vy tìm hiểu thông qua bạn bè và Internet. Cô ngỡ ngàng khi đây chính là chiêu trò lừa tiền từng được cơ quan chức năng cảnh báo, người bị hại có thể bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và mất tiền.
“Tôi từ chối giao dịch với khách hàng trên và chặn tài khoản của họ. Sau đó, người này vẫn tiếp tục dùng các tài khoản khác nhắn tin cho tôi chửi bới. Đến giờ, tôi vẫn còn lo sợ”, cô nói.
Những khó khăn của việc bán quần áo cũ chưa dừng lại ở đó khi Nhật Vy còn phải xử lý hàng loạt rắc rối khác liên quan đến khách hàng, quá trình vận chuyển…
“Có khách yêu cầu qua nhà tôi xem hàng rồi mới mua, tôi cũng đồng ý. Buổi chiều, tôi tranh thủ từ công ty về sớm như đã hẹn nhưng khách lại biệt tăm, không trả lời tin nhắn. Có những lần khác, tôi gửi hàng cho khách theo hình thức ship COD (dịch vụ giao hàng thu tiền hộ). Tài xế giao đến nơi, khách từ chối nhận. Kết quả, tôi mất 2 lần tiền vận chuyển”, cô thở dài.
Trong khi đó, Minh Nghi vừa phải đóng tài khoản “pass đồ” của mình vì suốt một thời gian dài không có khách mua. Tại tài khoản này, phần lớn chỉ có là bạn bè, người quen bấm theo dõi để “ủng hộ”. Hầu hết họ có phong cách ăn mặc, gu thời trang khác với Nghi nên tất nhiên chẳng mặn mà mua lại đồ cũ.
Gần đây, cô quay lại với cách bán đồ cũ truyền thống thông qua các hội, nhóm mạng xã hội.
“Nhiều người chia sẻ về việc khách bùng hàng, vì vậy tôi luôn yêu cầu người mua phải chuyển khoản trước. Bù lại, tôi sẽ chịu phí ship hoặc giảm thêm cho họ 50.000-100.000 đồng”, cô kể.
Với cách làm này, Minh Nghi hạn chế được việc bị bom hàng, tiền cũng về tài khoản nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, Tiên Nguyễn chấp nhận việc ký gửi quần áo thanh lý sẽ không đem lại nhiều tiền bạc. Thông thường, khi tự đăng bán trên mạng xã hội, cô thường để giá giảm 30% đối với một sản phẩm chỉ qua một lần sử dụng. Nhưng nếu ký gửi, cô chỉ được để giá dưới 50%, chưa tính các chi phí hỗ trợ khác.
“Nhưng tôi chấp nhận như vậy để nhanh chóng, đỡ mất công sức giặt ủi”, cô nói.
Theo chia sẻ của Tiên, sau 3 tháng ký gửi, nếu quần áo của cô chưa được bán hoặc chưa đến lấy về, cửa hàng sẽ đem tặng từ thiện cho những người khó khăn. Theo cô, đây là một cách làm hay bởi cửa hàng tìm hiểu sẵn những đơn vị thiện nguyện uy tín, quần áo sẽ được chuyển đến tay người cần với tình trạng sạch sẽ, phù hợp nhất.