Tối mùng Một Tết Quý Mão, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đón chuyến bay "khai xuân" chở khách Trung Quốc tới Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Kình, Phó giám đốc sân bay, nói đó là chuyến bay đầu tiên từ khi nước bạn nới lỏng chính sách "Zero Covid".
Ngành hàng không và du lịch đã đặt nhiều kỳ vọng vào luồng khách nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, tuy nhiên đến nay tốc độ phục hồi của thị trường không nhanh như kỳ vọng.
"Mỗi tuần chỉ có 2 chuyến bay, chủ yếu chở kỹ sư, công nhân sang Việt Nam làm việc", ông Kình chia sẻ.
Khách Trung Quốc chiếm thiểu số
Với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2023, ngành du lịch và hàng không Việt Nam dành sự quan tâm lớn tới thị trường khách Trung Quốc. Sự quan tâm được thể hiện ngay từ những ngày đầu nước bạn tuyên bố nới lỏng biện pháp chống dịch.
Sáng mùng 2 Tết, thêm một chuyến bay chở 200 khách Trung Quốc hạ cánh tại Cam Ranh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ra tận sân bay đón, lì xì cho các du khách.
Theo dõi trong 2 tuần tiếp theo, lãnh đạo sân bay Cam Ranh nhận thấy lưu lượng khách không đông như kỳ vọng. Mỗi tuần chỉ có khoảng 2 chuyến bay đưa khách Trung Quốc đến.
"Giai đoạn cao điểm trước dịch Covid-19, chúng tôi đón khoảng 40 chuyến bay chở khách từ Trung Quốc mỗi ngày", ông Kình nói.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Hớn, Giám đốc Trung tâm điều hành sân bay Đà Nẵng, cho biết lượng khách quốc tế qua sân bay Đà Nẵng đang tăng dần. Hiện, sân bay mỗi ngày đón 80-90 chuyến bay quốc tế, nhưng chưa có nhiều khách Trung Quốc, chủ yếu là khách du lịch từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...
Ngay tại Quảng Ninh, điểm đến mà khách Trung Quốc có thể tiếp cận bằng cả đường bộ, hàng không và đường biển, lưu lượng khách vẫn chưa tăng trưởng. "Cũng xúc tiến khắp nơi nhưng tín hiệu thị trường vẫn yếu lắm", ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Vân Đồn, nói với Zing.
TP.HCM là địa phương đón nhiều khách Trung Quốc trong dịp đầu năm, trong đó có cả nhu cầu du lịch và lao động. Trong tuần cuối tháng 1, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đón 25 chuyến bay từ Trung Quốc với 4.529 hành khách. Sở Y tế TP.HCM báo cáo không phát hiện trường hợp nào bị sốt trong số hành khách này.
Tính cả tháng 1, ngành hàng không Việt Nam phục vụ khoảng 10 triệu khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,4 triệu lượt, tăng vượt bậc so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên trong số này, khách Trung Quốc vẫn chỉ chiếm thiểu số, chủ yếu là khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Á, châu Âu...
Trung Quốc chưa sẵn sàng
Ngày 20/1, Tân Hoa Xã đưa tin Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc sẽ triển khai một chương trình thí điểm nhằm khôi phục các dịch vụ du lịch theo nhóm ra nước ngoài.
Cụ thể, từ ngày 6/2, các công ty du lịch ở Trung Quốc sẽ được phép cung cấp các tour du lịch theo nhóm đến 20 quốc gia. Danh sách này gồm Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, UAE, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, New Zealand, Fiji, Cuba và Argentina.
Với việc Việt Nam chưa có tên trong danh sách này, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, nhận định trước mắt sẽ chưa có khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam và tương lai cũng "chưa biết bao giờ mới có".
Thông tin được truyền thông Trung Quốc phát đi cũng khiến các hãng hàng không Việt Nam quan ngại. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, nhận định đây là một khó khăn phát sinh, bên cạnh các trở ngại hiện có như vấn đề thủ tục cấp visa du lịch giữa 2 nước.
Thị trường du lịch theo đoàn ra nước ngoài của Trung Quốc đã tạm dừng vào đầu năm 2020 do đại dịch Covid-19. Sự thiếu vắng nguồn khách từ Trung Quốc và Nga (do xung đột tại Ukraine) đã tạo ảnh hưởng đến ngành du lịch của nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đầu năm 2023, khi quốc gia 1,4 tỷ dân đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời, các biện pháp chống dịch khắt khe đã được dỡ bỏ và người Trung Quốc bắt đầu đi tới các nước trong khu vực để du lịch và làm ăn.