Nhiều lần điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến hàng loạt tòa chung cư cao tầng “bức tử” con đường Lê Văn Lương - vốn là tuyến giao thông huyết mạch đi qua hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, là hệ quả “khó có thể khắc phục”. Người dân nơi đây từng ngày ngao ngán khi chứng kiến cảnh tắc đường, ngập úng và thiếu không gian sống trầm trọng.
Sau khi kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về những sai phạm trong quy hoạch ở đây được ban hành, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói với Zing rằng thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo giải trình rõ về vụ việc được nêu trong kết luận thanh tra. “Thời gian giới hạn theo luật là 60 ngày, từ ngày 17/5 đến 17/7”, ông Tuấn nói.
Dù phóng viên rất nhiều lần liên hệ với Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, ông này luôn im lặng và không có bất kỳ phản hồi nào về vụ việc. Trước đó, trả lời bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, ông Trúc Anh chỉ xin rút kinh nghiệm và cho biết đang giao các đơn vị rà soát.
Chiều lòng nhà đầu tư, biến dạng quy hoạch
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (tiến sĩ Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp), sau khi xem các bài phản ánh trên Zing, chia sẻ lo lắng quy hoạch toàn thành phố sẽ bị phá vỡ nếu không kịp thời thay đổi, kiểm soát chặt chẽ tình trạng này.
“Quy hoạch xây dựng có tác động rất lớn đến dân sinh nên cơ chế kiểm soát phải thật chặt chẽ”, ông Long nói.
Theo ông, điểm mấu chốt trong vụ việc trên tuyến đường Lê Văn Lương, đó là việc các cơ quan có thẩm quyền tự ý điều chỉnh quy hoạch. “Đây là biểu hiện của sự đặc quyền. Từ đặc quyền dẫn tới phá vỡ mọi nguyên tắc, quy hoạch. Và đằng sau sự đặc quyền, ban phát chính sách thì có lợi ích hay không?”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề. Theo ông, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch ở những tuyến phố khác.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc chuyển hồ sơ vụ việc này sang cơ quan điều tra là rất cần thiết, nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan, kể cả ở giai đoạn những nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, cần làm rõ có tiêu cực, lợi ích trong điều chỉnh quy hoạch hay không, để căn cứ vào đó xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Đây là biểu hiện của sự đặc quyền. Từ đặc quyền dẫn tới phá vỡ mọi nguyên tắc, quy hoạch.
ĐBQH Nguyễn Công Long
Nhấn mạnh cần một động thái quyết liệt trong xử lý tình trạng này, vị đại biểu Quốc hội cho rằng có như vậy, căn bệnh “điều chỉnh quy hoạch tùy tiện” mới được trị dứt điểm.
Chia sẻ góc nhìn rộng hơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng những sai phạm trong quy hoạch là hệ quả của cả quá trình dài, diễn biến trong nhiều năm, nhiều thập kỷ và có một phần trách nhiệm cá nhân, trước hết là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch.
Nhưng ở góc độ khác, ông Lâm nhận định có nguyên nhân do sự thiếu chặt chẽ của chính sách pháp luật giai đoạn trước. Thời điểm đó, Luật Quy hoạch chưa được sửa đổi nên thường có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo thực tế phát sinh.
“Thực tế phát sinh lại chủ yếu theo nguyện vọng của nhà đầu tư nên điều chỉnh quy hoạch để chiều lòng nhà đầu tư. Vì vậy mới xảy ra việc quy hoạch ban đầu rất tốt, nhưng về sau dần thay đổi và biến dạng”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Ông nhìn nhận những quy hoạch méo mó, biến dạng ngày nay là hệ quả của quá trình công tác quy hoạch chưa chặt chẽ, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn yếu kém và không loại trừ việc lồng cả lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch.
Với những sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương được thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, đại biểu Lâm nhấn mạnh phải tiếp tục làm rõ sai phạm của từng cá nhân, tổ chức theo hướng “sai đến đâu, xử lý đến đó”, không vì bất cứ lý do gì mà bỏ qua sai phạm.
Điều chỉnh quy hoạch để chiều lòng nhà đầu tư khiến quy hoạch ban đầu rất tốt, nhưng về sau dần thay đổi và biến dạng.
ĐBQH Trần Văn Lâm
Mặt khác, ông góp ý chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm bàn biện pháp khắc phục, không thể để tình trạng này kéo dài khiến người dân khổ sở.
“Thực tế đã như vậy rồi thì phải giao các cơ quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp, bàn và lựa chọn phương án tối ưu để khắc phục hệ quả từ việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện”, ông Lâm nói.
Quay lại bối cảnh hiện tại, vị đại biểu khẳng định những vấn đề về quản lý trong quy hoạch nay cơ bản đã đầy đủ, quy định đã chặt chẽ nên điều quan trọng nhất là triển khai thực hiện nghiêm và hiệu quả.
“Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe” là điểm mấu chốt vị đại biểu lưu ý nhằm hạn chế những sai phạm tương tự có thể xảy ra, khiến quy hoạch bị băm nát.
Cơ quan quản lý về quy hoạch sai gì?
Thanh tra Bộ Xây dựng xác định dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, UBND Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật.
Theo đó, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã nghiên cứu đáp ứng hạ tầng, nhưng khi triển khai quy hoạch, thành phố lại theo đề xuất của chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án, điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật rồi lại tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án.
Việc điều chỉnh được thực hiện theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao và diện tích sàn; có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, công cộng thành hỗn hợp văn phòng, thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 đến 30 tầng.
“Điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị”, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.
Cụ thể, UBND Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật đối với 14 đồ án, dự án, công trình trên tổng số 56 dự án được kiểm tra. Trong đó, thành phố điều chỉnh 4 đồ án quy hoạch chi tiết, 16 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và 22 lần điều chỉnh bằng các văn bản chấp thuận.
Trong khi đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh sai thẩm quyền, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và xã hội với 33 dự án, công trình. Đơn vị này cũng chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật sai quy định với 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng tầng hầm; 10 dự án ghi số tầng không đúng.
Sở này cũng điều chỉnh vượt thẩm quyền khi chấp thuận phương án cho 21 công trình có tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng và không được UBND Hà Nội cho phép.
Về sai phạm của các quận, huyện, cơ quan chức năng xác định UBND quận Hà Đông đã cấp 10 giấy phép xây dựng cấp tại điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt Vạn Phúc sai hệ số sử dụng đất, chiều cao tầng so quy hoạch chi tiết được duyệt.
Quận Nam Từ Liêm chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật không có chỉ giới xây dựng, không có cốt xây dựng làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng tại một dự án.
Quận Thanh Xuân cấp 10 giấy phép không đúng về diện tích sàn, chiều cao công trình, một giấy phép thiếu nội dung về chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.
Thanh tra cũng xác định chủ đầu tư của 31 công trình, dự án đã thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng và phương án kỹ thuật được chấp thuận; không có hoặc sai giấy phép, sai thiết kế được duyệt.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng tính toán trên cơ sở hợp đồng đã ký, không chi trả cho tư vấn phần kinh phí khắc phục sai sót, tồn tại do lỗi tư vấn lập đồ án.
Ngoài ra, UBND TP cũng cần chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND một số quận trên địa bàn như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra vi phạm.