Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về phương án, phương thức thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Làm rõ phương án giao Bình Phước làm chủ quản đầu tư dự án
Đối với đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương và ý kiến của các bộ liên quan, UBND TP.HCM về phương án, phương thức thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, tại Văn bản số 4850/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp thu ý kiến các bộ, phối hợp với UBND Bình Phước xác định sự cần thiết và làm rõ cơ sở pháp lý, phương án giao UBND tỉnh Bình Phước làm chủ quản đầu tư khi tách dự án đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập và sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời, "rà soát chi phí đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư, xác định nguồn vốn còn thiếu của các dự án thành phần", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để thống nhất về sự phù hợp với quy hoạch toàn tuyến cao tốc theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và cơ chế điều phối triển khai thực hiện dự án.
Tách đoạn cao tốc qua Bình Phước khỏi dự án
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM – Chơn Thành nối TP.HCM với Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại, có tổng chiều dài khoảng 70 km, gồm hai hợp phần là TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Theo kế hoạch, dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành giai đoạn 1 gồm hai đoạn: đoạn từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến Cầu Khánh Vân dài khoảng 7,7 km hiện giữ nguyên hiện trạng do đã được đầu tư thuộc dự án đường tỉnh 743 và đường tỉnh 747B, tổng chiều rộng mặt nền từ 36 – 38 m.
Đoạn còn lại từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương dài 45,6 km và đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện với quy mô hoàn thiện có lộ giới 60 m và một đoạn đường gom dọc tuyến dài khoảng 9 km…
Về phương thức đầu tư, tỉnh Bình Dương đề nghị sẽ triển khai dự án qua địa phận Bình Dương bằng một dự án riêng theo phương thức đầu tư công và PPP với tổng mức đầu tư khoảng 16.100 tỷ đồng.
Cụ thể, phần giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.300 tỷ đồng thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Phần xây dựng công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP.
Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Phước cũng sẽ đầu tư bằng một dự án riêng, có tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng.
Việc tách đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập sẽ lợi thế hơn do huy động được nguồn lực tham gia của địa phương, bảo đảm thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chủ động nguồn cung cấp vật liệu để thực hiện dự án.
Đồng thời nâng cao hiệu quả tài chính, tính hấp dẫn đầu tư theo phương thức PPP đối với đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc TP.HCM – Chơn Thành dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư kết nối với Campuchia. Tổng mức đầu tư dự kiến 24.150 tỷ đồng, được đầu tư trong giai đoạn từ 2020 - 2030.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính kết nối và đồng bộ với hạ tầng giao thông tại địa phương, tỉnh Bình Phước trước đó từng đề xuất phương án thay đổi hướng tuyến, nghĩa là tuyến sẽ kéo dài khoảng 70 km. Theo khái toán, tổng kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỷ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đồng thời kiến nghị hỗ trợ ngân sách trung ương trong kế hoạch 2021 - 2025 để thực dự án.
Dự án theo quy hoạch dài 69 km, bắt đầu từ Chơn Thành (Bình Phước) đến nút giao Gò Dưa (TP.HCM), chiều rộng nền đường 60 m.
Trên cơ sở được sự thống nhất về phương án đầu tư phân kỳ và khả năng cân đối vốn của các là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tránh thủ tục dài dòng và giảm áp lực tăng chi phí, tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng xem xét và giao tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đoạn từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước với phương án và phương thức đầu tư như đề xuất.