Khi Diane Gayeski, Giáo sư Truyền thông Chiến lược tại Đại học Ithaca, nhận được bài luận từ sinh viên, bà sẽ thực hiện một phần quá trình chấm điểm thông qua ChatGPT, yêu cầu công cụ nhận xét và đề xuất phương án cải thiện bài làm.
Vị Giáo sư chia sẻ với CNN: “Cách tốt nhất khi tận dụng AI để chấm điểm là với tư cách trợ giảng hoặc trợ lý nghiên cứu, người có thể xử lý bước đầu… và ChatGPT thực hiện khá tốt công việc đó”.
Bà sẵn sàng cho sinh viên xem phản hồi từ ChatGPT và cách công cụ viết lại bài luận. “Tôi cũng luôn chia sẻ suy nghĩ của mình về phần làm bài của sinh viên và chúng tôi sẽ cùng thảo luận chuyên sâu hơn”, bà cho biết thêm.
Giáo sư Gayeski yêu cầu một lớp 15 sinh viên cùng thực hiện thao tác tương tự: gửi bản nháp lên ChatGPT để xem có thể cải thiện ở đâu.
Định hình lại nền giáo dục toàn cầu
Rõ ràng, sự xuất hiện của AI đang định hình lại nền giáo dục, mang tới những lợi ích thực sự, chẳng hạn như tự động hóa một số nhiệm vụ nhằm giải phóng thời gian cho giảng viên, hay hỗ trợ cá nhân hóa bài học, nhưng cũng tạo ra một số mối nguy hiểm lớn, từ vấn đề xung quanh tính chính xác và đạo văn cho đến biện pháp duy trì tính toàn vẹn.
Cả giáo viên và học sinh đều đang có nhiều cơ hội tiếp thu công nghệ mới. Báo cáo của công ty tư vấn chiến lược Tyton Partners, được tài trợ bởi nền tảng phát hiện đạo văn Turnitin, cho thấy một nửa số sinh viên đại học Hoa Kỳ đã sử dụng các công cụ AI tính đến mùa thu năm 2023. Trong khi đó, mặc dù có ít giảng viên sử dụng AI trong quá trình làm việc hơn nhưng tỷ lệ đã tăng lên 22%, từ 9% ghi nhận vào đầu năm 2023.
Đội ngũ giáo viên dần chuyển sang nhiều công cụ và nền tảng AI — chẳng hạn như ChatGPT, Writable, Grammarly và EssayGrader — nhằm hỗ trợ chấm điểm bài viết, nhận xét, phát triển giáo án và tạo bài tập. AI còn có thể hỗ trợ đặt câu hỏi thảo luận, cuộc thăm dò ý kiến, video hay hoạt động tương tác nhằm nâng cao chất lượng bài học.
Nhưng, trong khi một số trường học đã xây dựng chính sách về cách học sinh có thể hoặc không thể sử dụng AI khi làm bài tập thì nhiều tổ chức giáo dục lại chưa ban hành hướng dẫn dành cho giáo viên. Việc sử dụng AI để viết phản hồi hoặc chấm điểm bài tập cũng đặt ra e ngại về mặt đạo đức. Các bậc phụ huynh và sinh viên đã chi hàng trăm nghìn USD cho học phí cũng tự hỏi liệu nội dung do AI tạo ra được sử dụng trong giáo án của trường có xứng đáng với thời gian và tiền bạc của họ hay không.
Khi nào nên sử dụng AI?
Theo bà Dorothy Leidner, Giáo sư Đạo đức Kinh doanh tại Đại học Virginia, tần suất giáo viên sử dụng AI phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt khi chấm điểm. Bà trả lời phỏng vấn CNN: Nếu bài kiểm tra trong lớp học phần lớn là kiến thức trắc nghiệm - tức là có thể phân định đúng sai rõ ràng - thì việc chấm điểm bằng AI “thậm chí còn vượt trội hơn so với khả năng con người”.
Bà tin rằng AI sẽ cho phép giáo viên chấm điểm bài nhanh hơn và nhất quán hơn, đồng thời tránh cảm giác mệt mỏi hoặc nhàm chán.
Nhưng Giáo sư Leidner cũng lưu ý rằng khi nói đến các bài tập nhỏ hoặc viết tiểu luận, với dạng câu hỏi không phân theo tiêu chuẩn đúng - sai, việc chấm điểm nên do giáo viên đảm nhiệm để có thể đưa ra phản hồi cụ thể và hiểu hơn về sinh viên, từ đó giúp người học tiến bộ theo thời gian.
Bà đề xuất: “Giáo viên phải chịu trách nhiệm chấm điểm nhưng có thể giao một số tác vụ cho AI”.
Ví dụ, giáo viên sử dụng AI để xem xét một số tiêu chí nhất định - chẳng hạn như cấu trúc, cách sử dụng ngôn từ và ngữ pháp. Nhưng sau đó, giáo viên nên tự chấm điểm bài làm của học sinh để nhìn nhận tính mới lạ, sáng tạo và chiều sâu kiến thức.
Bà Leslie Layne, giảng viên tại Đại học Lynchburg (Virginia), khẳng định nhìn thấy những lợi ích khi người chấm sử dụng công cụ AI nhưng cũng chỉ ra nhiều hạn chế.
Nữ giảng viên cũng coi việc tải tác phẩm của học sinh lên ChatGPT là “nỗi đắn đo lớn về mặt đạo đức” và có khả năng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các công cụ AI như ChatGPT có thể sử dụng toàn bộ dữ liệu để đào tạo thuật toán, từ mẫu giọng nói cho đến cách đặt câu hay sự kiện và số liệu trong bài.
Giáo sư Đạo đức Kinh doanh Leidner đồng tình, nhấn mạnh điều này đặc biệt nên tránh đối với luận án tiến sĩ và thạc sĩ vì sinh viên có thể có nhu cầu xuất bản tác phẩm.
Cô khẳng định: “Giảng viên sẽ sai khi tải tài liệu lên công cụ AI mà không cho sinh viên biết trước. Sinh viên cần phải đưa ra sự đồng ý”.
Mặt khác, một số giáo viên đang dựa vào phần mềm có tên Writable nhằm sử dụng ChatGPT chấm điểm bài viết nhưng mã hoá toàn bộ thông tin cá nhân của sinh viên và không chia sẻ trực tiếp nội dung với hệ thống học máy. Nền tảng gần đây đã được công ty giáo dục Houghton Mifflin Harcourt mua lại.
Thiết lập tiêu chuẩn cần thiết
Một số trường đang tích cực xây dựng chính sách về AI cho cả giáo viên và học sinh. Ông Alan Reid, cộng tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Cải cách Giáo dục (CRRE) thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết gần đây đã dành thời gian làm việc với nhiều nhà giáo dục K-12 (hệ thống giáo dục phổ thông), nhóm thường xuyên sử dụng công cụ AI để tạo nhận xét cá nhân hóa vào cuối quý dành cho từng học sinh.
Nhưng giống như Giáo sư Layne, ông thừa nhận khả năng viết phản hồi của công nghệ vẫn còn “hạn chế”.
Ông hiện đang tham gia Ủy ban soạn thảo chính sách AI cho giảng viên và nhân viên tại trường. Ông chia sẻ, vô số cuộc thảo luận đã diễn ra, không chỉ về cách giáo viên sử dụng AI trong lớp học mà còn về cách các nhà giáo dục nói chung sử dụng công nghệ.
Vị chuyên gia nhận định hầu hết trường học đang thảo luận về việc sử dụng công cụ AI tổng quát để tạo ra những hồ sơ cơ bản theo mẫu như quyết định thăng chức và bổ nhiệm, đánh giá hiệu suất hay đăng tuyển việc làm.
Phó Giáo sư Triết học tại Đại học Lynchburg Nicolas Frank cảnh báo các trường học và giáo viên cần phải nhất đồng quan điểm khi đưa ra chính sách và tuyệt đối thận trọng.
Ông lo ngại vẫn còn quá sớm để hiểu AI sẽ được tích hợp như thế nào vào cuộc sống hàng ngày: “Điều đó có thể tạo ra nguy cơ đơn giản hóa quá mức các vấn đề liên quan đến sử dụng AI trong chấm điểm và giảng dạy”.
Để bắt đầu, ông khuyên các nhà giáo dục hãy xác định rõ ràng đâu là hành vi lạm dụng AI và bắt đầu hoạch định chính sách xung quanh những hành vi đó.
Ngoài ra, Giáo sư Leidner khuyến nghị trường đại học có thể đưa ra hướng dẫn ở cấp độ rất cao, chẳng hạn như ưu tiên tính minh bạch, để sinh viên có quyền biết khi nào AI được sử dụng để chấm điểm bài tập và xác định loại thông tin nào không bao giờ được đăng tải lên công cụ AI.
Nhưng bà cũng cảnh báo các trường đại học phải sẵn sàng “đánh giá lại thường xuyên khi công nghệ phát triển không ngừng”.