Vừa qua, các doanh nghiệp nhà thầu đã có hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ tình trạng bị nợ đọng, trong đó tập trung nhiều vào việc bổ sung, sửa đổi các Luật liên quan.
Doanh nghiệp mong muốn được “lắng nghe”
Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) sau hơn 2 năm dịch covid-19, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp ngành xây dựng đã cố gắng khắc phục để triển khai sản xuất kinh doanh góp phần sớm phục hồi phát triển kinh tế đất nước.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, thời gian qua nhà nước cũng đã có nhiều tháo gỡ thông qua ban hành, sửa đổi bổ sung chính sách về đầu tư xây dựng như sửa đổi bổ sung luật xây dựng, luật đấu thầu, đặc biệt trong đó ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng, ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 68/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, trong thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng), trong đó phần thua thiệt lại là nhà thầu.
Theo đó nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp cần được tháo gỡ đặc biệt trong khâu thanh quyết toán. Hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20 – 25% cuối của dự án, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.
Bên cạnh dó, tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà ở cả các dự án sử dụng các nguồn vốn khác. Rất nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản.
Từ những tồn tại nêu trên, theo Chủ tịch VACC, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng hết sức mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành xây dựng có thể lắng nghe hơn nữa những tham góp, kiến nghị của các doanh nghiệp xuất phát từ thực tiễn hoạt động để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp các quy định của pháp luật liên quan.
“Có thể nói, sửa luật, “chìa khóa” quan trọng nhất để gỡ khó cho nhà thầu đang bị tình trạng chủ đầu tư nợ đọng hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định.
Những kiến nghị từ doanh nghiệp
Mới đây, tại một hội thảo về tình trạng nợ đọng xây dựng, đại diện Công ty Cổ phần FECON, doanh nghiệp có lịch sử hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng hơn 18 năm đã tham gia triển khai thi công nhiều dự án trọng điểm Quốc Gia đã kiến nghị một loạt bổ sung, sửa đổi liên quan đến các văn bản pháp luật liên quan.
Thứ nhất, doanh nghiệp kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ chất lượng phục vụ nghiệm thu đối với từng loại hợp đồng, quy định cụ thể về việc không áp dụng rà soát định mức đơn giá, trong việc thanh quyết toán hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định.
Thứ hai, đề nghị quy định bắt buộc đối với các Tổng thầu nước ngoài khi sử dụng thầu phụ trong nước hoặc các Chủ đầu tư tư nhân cần tuân thủ tối thiểu theo quy định nhà nước về thời gian bảo hành, bảo lãnh, tỷ lệ giữ lại chờ quyết toán để đảm bảo cạnh tranh công bằng, hạn chế chèn ép bắt bí đối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân nhỏ.
Thứ ba, cần xem xét có hướng dẫn thực hiện đối với nội dung quy định về việc tạm ứng vượt tỷ lệ tạm ứng tối thiểu hoặc đề nghị bỏ nội dung quy định tại mục d, Khoản 5, điều 18 – Nghị định 37/2015/NĐ-CP.
Thứ tư, doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh tăng tỷ lệ tạm ứng tối thiểu đối với các hợp đồng có giá trị mua sắm vật liệu/thiết bị chiếm tỷ trọng lớn để tạo nguồn vốn cho nhà thầu có kế hoạch mua vật liệu chính ngay từ đầu để tránh ảnh hưởng của trượt giá.
Thứ năm, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước, trực tiếp là Bộ Xây dựng cần sớm xem xét xây dựng chính sách bình ổn giá thị trường đối với các nguyên vật liệu xây dựng để đảm bảo không đội vốn đầu tư dự án.
Thứ sáu, để tạo hành lang pháp lý trong cạnh tranh đấu thầu, doanh nghiệp kiến nghị các bộ ngành Xây dựng, Giao thông vân tải có cơ chế phù hợp nhằm đánh giá, xếp loại nhà thầu hàng năm theo năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính và công bố công khai danh sách nhà thầu được đánh giá trên cổng thông tin quốc gia để các Chủ đầu tư/Tổng thầu nước ngoài có thể sử dụng để tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực phù hợp với dự án tham gia đấu thầu nhằm tránh việc các nhà thầu có năng lực thấp tham gia đấu thầu với giá quá thấp nhưng khi vào làm thì chất lượng kém, gây phát sinh lãng phí về thời gian tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình trong khi các nhà thầu có năng lực không thể tham gia vào dự án
Theo đại diện Công ty CP FECON, việc đánh giá, xếp hạng Chủ đầu tư đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng điển hình như tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,.. làm rất tốt. Nếu làm được sẽ góp phần tạo ra môi trường canh tranh lành mạnh trong lĩnh vực Xây dựng, tránh được các tiêu cực trong công tác đấu thầu, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.